Thời gian qua, nhiều chuỗi liên kết được hình thành, nhưng so với năng lực sản xuất còn rất hạn chế, nông dân vẫn có thói quen sản xuất theo tập quán, còn doanh nghiệp giữ tư tưởng ở đâu rẻ thì mua.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi chính sách thương mại thắt chặt của nhiều nước, cụ thể là hàng rào kỹ thuật ngày càng khắt khe. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, đến nay mới chỉ có 9 mặt hàng rau củ, trái cây Việt Nam được xuất khẩu (XK) chính ngạch, chủ yếu phụ thuộc vào tiểu ngạch.
Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường XK, ngành nông nghiệp Việt Nam cần quay lại thúc đẩy thị trường nội địa.
Số chuỗi còn khiêm tốn
“Chúng ta cần phải thẳng thắn nói với nhau rằng hội nhập kinh tế quốc tế không còn xa xôi, viển vông. Rất phấn khởi khi ký được nhiều FTA nhưng cũng đồng nghĩa hàng của nhiều nước sẽ vào thị trường Việt Nam với những tiêu chuẩn chất lượng rất cao”, ông Toản nhấn mạnh.
Để nâng cao sức cạnh tranh, tránh tổn thương cho những ngành như chăn nuôi, trái cây…, vai trò của doanh nghiệp (DN) là rất quan trọng trong việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn. Năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trong từng phân khúc của ngành nông nghiệp phải tăng cao. Chỉ như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng Việt và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), đến hết tháng 11/2018, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi; 1.096 chuỗi, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Hơn 100 HTX, 250 công ty đã tham gia chuỗi.
Với kết quả trên, còn rất nhiều thách thức để đạt mục tiêu đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 50% sản lượng nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội mới đây cho biết, sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Tp.Hà Nội, đến nay đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn (tăng 184 chuỗi, 34% so với năm 2018).
Tuy nhiên, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, cũng thừa nhận việc xây dựng và phát triển chuỗi rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại. Triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…
Đại diện Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết, bất cập lớn nhất trong việc xây dựng chuỗi sản xuất nông sản an toàn là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này còn nhỏ lẻ, manh mún, khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết bền chặt giữa sản xuất với tiêu thụ. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ quy mô còn nhỏ, chưa nhiều. Việc gắn kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất – chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát huy được lợi thế.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông sản an toàn tỉnh Lào Cai, cho biết Lào Cai là tỉnh có thế mạnh để trồng các loại rau ôn đối, tương ớt, miến dong, thảo dược… Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chế biến đang tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Đến nay, Lào Cai đã đưa 10.000 tấn rau ôn đới, 200 tấn tương ớt, 50 tấn miến dong, 400 tấn cá hồi, cá tầm vào chuỗi… Tuy nhiên, đây chỉ là con số rất nhỏ so với năng lực sản xuất sản phẩm đặc sản nông nghiệp của tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thị trường, bán hàng còn hạn chế, thiếu vốn, quy trình sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ với doanh nghiệp theo từng ngành hàng còn nhiều khó khăn, nên sản xuất chưa đồng bộ, không thuận lợi. Trong khi đó, hàng nhái, hàng giả còn gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm sạch.
Để giải quyết vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và thu mua. Khi tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu cần có thông tin chi tiết về nhu cầu các bên, đánh giá nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hỗ trợ máy móc thiết bị phù hợp, áp dụng khoa học công nghệ chế biến sản phẩm nông sản an toàn.
Sản xuất theo đơn đặt hàng
Trước thực tế trên, Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng củng cố các vùng trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo an toàn theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức cá nhân (HTX, doanh nghiệp, hộ cá thể) sản xuất an toàn, sản xuất VietGAP, khuyến khích sản xuất theo các chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Về bất cập chính sách, ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho hay việc triển khai các kế hoạch dự án hợp tác liên kết sản phẩm nông nghiệp hiện nay khó triển khai. Do đó, huyện đề nghị UBND Tp. Hà Nội sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 10/2018 của HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Tp. Hà Nội, để thúc đẩy sản xuất sản phẩm tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, đánh giá người nông dân hiện vẫn sản xuất theo truyền thống, không cần biết thị trường có nhu cầu hay không. Bên cạnh đó, đã có các HTX, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng bế tắc lớn nhất vẫn là đầu ra. Vì vậy, cần xây dựng các mối liên kết, ký kết hợp đồng để các HTX, nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, kể cả sản phẩm trái vụ.
Đề cập tới chuyện vui buồn trong sản xuất rau an toàn, ông Tiến cho rằng nguyện vọng lớn nhất của người nông dân là có công nghệ để sơ chế sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, do cơ sở vật chất yếu kém nên phần lớn nông sản thối hỏng phải bỏ đi.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hà Nội, nhấn mạnh: “Việc liên kết xây dựng chuỗi nông sản an toàn là quá đúng trong bối cảnh hiện nay. Nói quá đúng nhưng tổ chức thực hiện và hành động của chúng ta phải quyết liệt. Đây là việc làm vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa giải quyết được bài toán kinh tế cho bà con nông dân. Để đẩy mạnh liên kết cần phải có “bàn tay” Nhà nước, nhưng DN cũng phải làm thực chất”.
Theo ý kiến từ đại diện một sở NNPTNT, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh cũ, truyền thống là ở đâu rẻ thì mua, không cần ký kết hợp đồng. doanh nghiệp phải đưa tiêu chuẩn vào hợp đồng, liên kết theo chuỗi giá trị với bà con nông dân.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việc đẩy mạnh liên kết chuỗi nông sản an toàn không những phát triển thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh XK. Theo đó, hàng hóa nông sản sẽ phải sản xuất theo tiêu chuẩn. Đây là yêu cầu mấu chốt để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng, an toàn, sau đó mới tính đến việc truyền thông, quảng bá để ngấm sâu vào thói quen của người tiêu dùng.