dd/mm/yyyy

Đưa sa nhân lên nương trồng, nông dân vùng cao Phiêng Ban thoát nghèo

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên ở bản Phiêng Ban (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, từ canh tác nương rẫy sang trồng sa nhân dưới tán rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoat nghèo và làm giàu.

Bản Phiêng Ban thuộc xã Mường Giàng, có 71 hộ, 328 nhân khẩu, người dân đều là đồng bào dân tộc Mông, hầu hết các hộ đều là hội viên Hội Nông dân. Trước đây, người dân sống chủ yếu bằng nghề canh tác nương rẫy với cây ngô, sắn là chủ yếu. Do canh tác lâu năm đất bị rửa trôi bạc màu làm cho năng suất ngô, sắn thấp, hơn nữa giá bán giảm liên tục. Sau mỗi vụ ngô, sắn, nhiều nông dân thu nhập số tiền không bù được chi phí đầu tư, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Nhà nhà trồng sa nhân nông dân vùng cao Phiêng Ban thoát nghèo - Ảnh 1.

Cây sa nhân giúp nông dân bản Phiêng Ban thoát nghèo.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền và Hội nông dân xã đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, kết hợp với đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là trồng sa nhân dưới tán rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống và bước đầu mang lại hiệu quả. Thấy vậy ai cũng bắt trước làm theo, nhiều nông dân đã có cuộc sống ổn định.

 Ông Sồng A Thu, Chi hội trưởng Hội nông dân bản Phiêng Ban, cho biết: Cây sa nhân bén rễ lên đất Phiêng Ban từ năm 2015, từ những hộ đầu tiên trồng thấy hiệu quả cao hơn trồng ngô, trồng sắn, nên nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sa nhân. Đến nay, hầu hết bà con dân bản nhà nào cũng trồng thứ cây này để phát triển kinh tế gia đình.

Nhà nhà trồng sa nhân nông dân vùng cao Phiêng Ban thoát nghèo - Ảnh 2.

So với loại cây trồng khác trên nương, sa nhân mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sa nhân là cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao. Ngoài công dụng làm dược liệu, sa nhân còn dùng để chiết xuất tinh dầu làm hương liệu, gia vị thực phẩm, làm nước hoa, dầu gội... Đặc biệt, cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 3 - 4 năm bắt đầu cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, trồng cây sa nhân dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất.

Riêng gia đình ông Thu thì trồng hơn 1 ha cây sa nhân. Sau 5 năm, hơn 2.000 gốc sa nhân dưới tán rừng đã cho thu hoạch ổn định, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đến nay gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trên những cánh rừng được giao khoán để bảo vệ.

Nhà nhà trồng sa nhân nông dân vùng cao Phiêng Ban thoát nghèo - Ảnh 3.

Nhiều nông dân ở bản Phiêng Ban đã có cuộc sống ổn định nhờ trồng sa nhân.

Hiện nay, cả bản Phiêng Ban đã có hơn 50 ha cây sa nhân, tất cả đều phát triển tốt. Việc trồng sa nhân dưới tán rừng đang phát huy được tiềm năng, thế mạnh ở vùng đất này, giúp người dân có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Từ việc trồng sa nhân, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng, số tiền mà trước đây bà con trong bản chưa ai dám nghĩ tới. Trồng sa nhân không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ những cánh rừng xanh của bản.

Nguyễn Ngọc Vân-Trường Chính trị tỉnh Sơn La