Hiện nhiều dự án quy hoạch làng quê, làng nghề gắn với phát triển du lịch đã và đang được TP.Hội An triển khai nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ, giảm áp lực lên phố cổ, hướng đến chia sẻ nguồn lợi từ du lịch nhiều hơn cho những hộ dân bên ngoài di sản.
Chính thức triển khai từ năm 2014, qua gần 4 năm hoạt động, làng rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh đang trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Với diện tích 10 nghìn mét vuông, làng rau Thanh Đông là nơi sản xuất tập trung rau hữu cơ của 10 hộ dân trong làng. Ngoài cung cấp rau sạch ra thị trường, đây còn là điểm tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách.
Ông Phạm Văn Chức, một hộ trồng rau trong làng cho biết, mỗi sáng nhóm đều cử một người ra đón tiếp du khách, hướng dẫn khách quy trình làm rau hữu cơ như làm đất, gieo giống, tưới rau… Nếu khách có nhu cầu trải nghiệm thì người dân sẽ chuẩn bị dụng cụ sản xuất và phân, giống… để hướng dẫn khách trực tiếp làm như một nông dân thực thụ.
Với giá vé 30.000 đồng dành cho khách tham quan và 50.000 dành cho khách muốn trải nghiệm, nguồn thu nhập từ du lịch mang lại giúp các hộ trang trải một phần chi phí hiếu hỉ cũng như chăm sóc, tạo cảnh quan cho vườn rau.
“Làm rau hữu cơ trước hết là vì sức khỏe của người lao động. Thứ hai, sản phẩm làm ra trong đó có gia đình mình ăn, khách hàng cũng ăn mà không sợ có chất độc, dần dần du khách nghe tới thì mình làm du lịch và có thêm thu nhập nên chúng tôi ai cũng phấn khởi” - ông Chức chia sẻ.
Việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng thân thiện môi trường không phải mới mẻ ở Hội An. Trước đó, có thể kể đến làng rau Trà Quế (Cẩm Hà) đã trở thành sản phẩm du lịch “thương hiệu” của Hội An gần 10 năm qua, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trải nghiệm.
Theo ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack Tran Tours, người thường xuyên đưa khách đến làng rau Trà Quế, giá trị lớn nhất của mô hình du lịch làng rau Trà Quế là môi trường sinh thái và không gian làng quê. Ở đó, du khách không chỉ được trải nghiệm mô hình trồng rau sạch mà còn có thể được thưởng thức các loại rau tươi sạch an toàn một cách tin cậy nhất.
Trong kế hoạch triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ nay đến nay năm 2020, TP. Hội An đã xác định, phát triển du lịch phải đảm bảo sự cân bằng môi trường sinh thái, tự nhiên, nhân văn, xã hội bền vững; phát triển đa dạng đồng bộ du lịch văn hóa, du lịch biển và du lịch sinh thái, làng nghề làng quê sông nước.
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty TNHH Trải nghiệm và sinh thái Etours Hội An, đơn vị thường xuyên đưa khách đến làng rau Thanh Đông cho rằng, nếu thực hiện tốt những kế hoạch đề ra, nhất là việc xây dựng tốt mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái sẽ mang lại nhiều hiệu quả cũng như tạo được thiện cảm lớn từ du khách, nhất là thị trường khách châu Âu.
“Hơn 90% khách đánh giá về sự thân thiện của người dân, nhất là được trải nghiệm nhiều hoạt động trong chương trình như đi xe đạp, thăm viếng làng rau, đi thuyền thúng rừng dừa… Do đó, có thể thấy du lịch sinh thái đang là xu hướng được nhiều du khách quan tâm, đón nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng cần xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình du lịch tương tự để tạo ra vùng liên kết khép kín để khách được trải nghiệm nhiều hơn, đặc biệt là đối tượng khách đứng tuổi” - ông Hà nói.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, du lịch Hội An đang phát triển theo ba trụ cột gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trong đó, các mô hình du lịch sinh thái, làng nghề sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm tại chỗ, qua đó góp phần tạo sinh kế và thu nhập tăng thêm cho người dân.
“Phát triển du lịch sinh thái là hướng đi phù hợp hiện nay nhằm không chỉ hỗ trợ cho du lịch di sản phố cổ mà còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của khách, đặc biệt hướng đến sự phát triển bền vững” - ông Sơn cho biết.