Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, phát triển du lịch kết hợp giữa nông nghiệp, nông thôn, nông dân là xu thế không chỉ của Việt Nam mà là xu thế mới trên thế giới.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, nổi trội.
Để làm việc này, cần tập trung vào một số giải pháp trong thời gian tới như cần thống nhất nhận thức phối hợp giữa các ngành hữu quan trong lĩnh vực nông nghiệp vào lĩnh vực du lịch. Điều kiện thủy địa để phát triển sản phẩm là du lịch trong nông nghiệp chúng ta còn rất lớn và có điều kiện phát triển sản phẩm hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ, tăng cường mức chi tiêu về thời gian lưu trú của du khách đối với dòng sản phẩm này.
“Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, loại sản phẩm này chúng ta chưa nhận thức đúng, thiếu các cơ chế chính sách. Do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành du lịch và ngành nông nghiệp để cùng nhau xây dựng sản phẩm, có cơ chế chính sách khuyến khích nông thôn, nông dân biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch, qua đó thu hút khách du lịch;
Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp mang lợi ích khác tạo ra lợi thế cho sản phẩn du lịch, hướng tới một du lịch bền vững, có trách nhiệm và xu hướng chung thế giới du lịch gắn với cộng đồng, cộng đồng hưởng lợi từ du lịch và góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho người nông dân không phải qua việc bán nông sản mà qua việc tổ chức dịch vụ cho du khách và thu lợi từ sản xuất dịch vụ, nâng cao dân trí, nâng cao thu nhập… cho người nông dân. Đây là con đường đề phát triển du lịch bền vững, mang lại lợi ích, quyền lợi cho người nông dân theo hướng văn minh, hiện đại.
Chính vì vậy, phát triển du lịch nông nghiệp là góp phần làm đời sống nông thôn được đầy đủ hơn, nhận thức và sự hiểu biết của nông thôn, nông dân được tăng cường hơn, dân trí được nâng cao, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân, góp phần tạo ra một sản phẩm mới, nổi trội của du lịch”, ông Chung cho biết.
Ông Nguyễn Phú Ban – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, muốn phát triển du lịch sinh thái bền vững đòi hỏi phải có sự chung tay sự của cộng đồng dân cư, bởi những giá trị kinh tế mang lại rất lớn. Không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn là có giá trị về tâm linh, thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng chia sẻ ý kiến tại hội nghị.
“Mỗi làng quê, mỗi địa phương, mỗi tỉnh thành phố đều có bản sắc riêng do vậy chúng ta phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể của từng địa phương để phát triển ngành du lịch mũi nhọn này. Đi đâu? Ăn gì? Hiện nay người dân đi du lịch rất quan tâm đến nhiều vấn đề, giá trị du lịch mang lại, du khách rất quan tâm đến chuỗi giá trị mà du lịch sinh thái mang lại, họ suy nghĩ, tìm hiểu rất kỹ trước khi đi đến địa điểm đó để du lịch. Đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính quyền địa phương, công ty lữ hành du lịch, khu dân cư đó để thu hút du khách.
Đối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ phục vụ du lịch thì cần phải nâng cao vai trò của Hiệp hội hữu cơ Việt Nam trong việc kết nối, liên kết để tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phục vụ du lịch. Tại các địa phương thì ngành nông nghiệp và ngành du lịch cần có chương trình, quy chế phối hợp trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp, có như vậy thì mới gắn kết được phát triển nông nghiệp với khai thác tiềm năng du lịch của khu vực”, ông Ban kiến nghị.
Ông Phạm Hà - CEO Luxury Travel cho biết, 4 vấn đề lớn du lịch Việt Nam đặt ra hiện nay là cơ chế chính sách, nguồn lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả. Trong đó, sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề cốt lõi của sự phát triển.
Sản phẩm du lịch Việt Nam chúng ta hiện đang vừa thừa lại vừa thiếu: Thừa những sản phẩm du lịch giống nhau và thiếu sản phẩm độc đáo. Thiếu cả định vị điểm đến du lịch quốc gia trong top mind của khách quốc tế đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam thiếu nhiều các sản phẩm du lịch có thể đáp ứng nhu cầu của du khách, đó là các sản phẩm đem lại cho du khách những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến. Nhu cầu của du khách tại điểm đến không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống.
Ông Hà cũng cho biết, thực tế khách du lịch thuần tuý từ Châu Âu, Châu Mỹ của chúng tôi rất thích các tour nông nghiệp và dựa vào nông nghiệp.
“Để phát triển du lịch nông nghiệp cần chính sách thông thoáng cho du lịch, xúc tiến trong và ngoài nước, các thị trường mục tiêu. Mô hình mà Tổng cục Du lịch Thái Lan đang xúc tiến rất thành công, hiệu quả như Thai lifestyles - phần lớn là phong cách sống của nông dân; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch và môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Mỗi địa phương chọn một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (có thể làm ngay và luôn); Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tại các vùng nông thôn như giữ hồn chợ quê, sản vật đặc trưng, xây dựng các bảo tàng liên quan tới nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn các làng nghề thủ công truyền thống: Gốm, lụa, mộc, bồi dưỡng đào tạo các lớp nghệ nhân tại các làng nghề; Xây dựng nơi người dân sống thành nơi đẹp hơn, đáng sống hơn và đáng để du khách đến thăm...”, ông Hà kiến nghị thêm.