dd/mm/yyyy

Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Nhằm giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Tạo vốn vay

Vốn vay có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất phát triển kinh tế, nó được coi là động lực giúp người nông dân mở rộng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhận thức được điều đó, những năm qua, HND huyện Phù Yên đã có nhiều hoạt động giúp hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất như: Xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân; ủy thác với các ngân hàng cho hội viên vay vốn; phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, tư vấn, giới thiệu việc làm… Thông qua việc tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay đã góp phần giúp các hội viên đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Mô hình trồng cam của hội viên nông dân Phù Yên. 

Trao đổi vớ ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch HND huyện Phù Yên, được biết: HND Phù Yên có 27 cơ sở hội, 304 chi hội, với gần 18.000 hội viên nông dân. Phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác của Hội. Để hội viên tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất, Hội đã xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân thông qua ban điều hành quỹ, trên cơ sở hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể dự trên số lượng hội viên, giao chỉ tiêu phát triển quỹ tại các cơ sở hội. Đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội đã tăng lên gần 2 tỷ đồng, tạo cơ hội cho hàng trăm hội viên nông dân được vay vốn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Ngân hàng CSXH cho nông dân vay vốn thông qua 109 tổ vay vốn, với tổng dư nợ 112 tỷ đồng, có 3.778 hội viên tham gia vay; ủy thác với Ngân hàng NN&PTNT cho hôi viên vay, tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay nhiều hộ nông dân đã mạnh đầu tư, đổi mới phương thức sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Nhờ được tiếp cận kỹ thuật trong trồng trọt, đã giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

 

Hỗ trợ nông dân sản xuất

Bên cạnh việc giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, HND huyện luôn chú trọng phối hợp với các ban, ngành chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ cây trồng, con giống, trao đổi kiến thức kinh nghiệm sản xuất… Đặc biệt là vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mở rộng nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ kinh tế tập thể và hộ gia đình.

Mô hình nuôi lợn rừng của nông dân Phù Yên. 

Cùng với đó, Hội còn phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã thu hút 10.857 hộ nông dân đăng ký tham gia. Từ phong trào nhiều hội viên đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, đưa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, với nhiều mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng cây có múi xã Mường Thải, Mường Cơi; Mô hình trồng chanh leo ở xã Mường Do; Mô hình nuôi bò sinh sản xã Mường Bang, Tân Lang, Mường Do; Mô hình nuôi gà thả vườn xã Mường Cơi, Tân Lang; Mô hình nuôi dúi sinh sản, dúi thịt xã Huy Bắc...

Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, như phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung - Sơn La cung ứng ngô giống, lúa giống theo hình thức trả chậm; hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất; thông tin, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và tiêu thu nông sản cho nông dân... Cụ thể như Hội đã phối hợp với ngành khuyến nông, Bảo vệ Thực vật tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi lợn, nuôi thủy sản, trồng cây có múi, sản xuất lúa và các loại cây trồng, vật nuôi và tham quan mô hình sản xuất hiệu quả cho hàng trăm lượt hội viên. Đồng thời, tổ chức chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Với việc tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, đã giúp nhiều hội viên vượt khó vươn lên, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Quốc Định