Cuộc sống ấm no ở nơi từng là điểm nóng ma túy
Hang Kia, Pà Cò là 2 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), nhắc đến hai địa danh này, trong ký ức của nhiều người đây là vùng đất của nghèo đói, thất học, điểm nóng về ma túy.
Được biết, cách đây hơn 10 năm, Hang Kia, Pà Cò là điểm nóng về ma túy, vùng đất của những “ông trùm” ma túy trên đất Mai Châu - Hòa Bình. Đó là thời điểm những năm 2010 nổi lên với nhiều đối tượng buôn ma túy khét tiếng. Với gần 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Hang Kia đã tạo thành một cộng đồng lớn mạnh, sinh sống gần như biệt lập.
Chính vì đặc trưng cả bản có những mối quan hệ dòng tộc nên đây là cơ hội để các đối tượng buôn ma túy ẩn náu, trốn tránh cơ quan chức năng. Việc vây bắt các đối tượng buôn ma túy tại xã Hang Kia, Pà Cò cũng rất khó khăn khi dẫn vào bản là con đường độc đạo. Quá trình làm nhiệm vụ lực lượng chức năng thường vấp phải sự chống trả của dân bản.
Từ năm 2010, lực lượng Công an chính quy đã có mặt nhận nhiệm vụ tại hai xã Hang Kia và Pà Cò. Sau này, các tổ công tác của Công an tỉnh Hòa Bình bố trí ngay trung tâm bản với số lượng hàng chục cán bộ, chiến sĩ túc trực để ổn định địa bàn hai xã Hang Kia và Pà Cò. Sau nhiều năm đấu tranh, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, đến nay tình hình tội phạm ma túy tại Hang Kia đã giảm thiểu rõ rệt.
Đặc biệt, người dân thường xuyên chủ động thông tin với chính quyền để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc. Các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm bị lực lượng trinh sát vây bắt thành công. Cuối tháng 7/2022, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an ký quyết định về việc đưa xã Hang Kia, xã Pà Cò ra khỏi danh sách xã phức tạp về an ninh, trật tự.
Trải qua thời kỳ u ám, đời sống người dân hai xã Hang Kia, Pa Cò đã từng bước được nâng cao, diện mạo bản làng đổi thay nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân.
Đến với Hang Kia, Pà Cò hôm nay, con đường độc đạo vào đi vào hai xã này đã được bê tông hóa. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang. Người dân phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ.
Đặt chân tới xã Hang Kia, chúng tôi được gặp ông Khạ A Hờ (69 tuổi, người có uy tín ở xóm Thung Ằng, xã Hang Kia). Qua câu chuyện với ông Hờ, chúng tôi được biết, hai xã Hang Kia, Pà Cò là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống bà con vô cùng khó khăn, cái nghèo, cái đói đeo bám. Trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật còn kém nên bà con thường bị những kẻ xấu xúi giục trồng cây thuốc phiện, buôn bán và vận chuyển ma túy.
"Từ khi xóa bỏ cây thuốc phiện, tệ nạn ma túy, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm du lịch, xây dựng homestay để đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư xây dựng. Giờ đây, bà con đã có cuộc sống ấm no", ông Hờ tự hào cho biết.
Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục cho thế hệ trẻ tại Hang Kia, Pà Cò
Những năm qua, huyện Mai Châu đã tăng cường chỉ đạo các trường học nằm trên địa bàn hai xã Hang Kia và Pà Cò triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp vận động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện xóa mù và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa phòng học, các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị để hỗ trợ các hoạt động dạy và học tại các trường học trên địa bàn xã Hang Kia, Pà Cò. Đặc biệt, năm 2022, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 7 công trình trường, lớp học, các hạng mục phụ trợ, trang thiết bị để hỗ trợ các hoạt động dạy và học của các trường kinh phí 9,7 tỷ đồng.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huy động và duy trì số lượng học sinh, học viên ra lớp được chỉ đạo quyết liệt. Tới nay, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%. Năm 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò đạt 99,3%.
Ngành giáo dục đã có giải pháp hỗ trợ giáo viên về chuyên môn, hỗ trợ học viên về tài liệu, vở ghi và thường xuyên thăm hỏi, động viên các thầy giáo, cô giáo và học viên cố gắng, nỗ lực duy trì lớp học cả trong những tháng hè. Việc học viên ra học lớp chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ từng bước góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc học tập với tinh thần “Bố mẹ học chữ sẽ không để con mù chữ”.
Công tác đào tạo bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ, công chức hai xã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong công tác cán bộ, ưu tiên bồi dưỡng nguồn cán bộ là người thành thạo ngôn ngữ và hiểu biết phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, bảo đảm trình độ, năng lực quản lý điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.