dd/mm/yyyy

Độc đáo cách người Thái kỳ công làm món thịt trâu gác bếp ở Sơn La

Đặc sản thịt trâu gác bếp của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La với vị cay cay của ớt chỉ thiên cùng vị thơm của gừng, mắc khén, vị ngọt của thịt, hương thơm của khói bếp.

Hương vị của đất, của rừng…

Nếu có dịp đến với vùng đất Sơn La, ta sẽ bắt gặp nhiều hình ảnh các thiếu nữ Thái “tẳng cẩu” đứng ở các gian hàng bầy bán thịt trâu khô. Món ăn này vốn có từ bao đời xưa, xuất phát từ nhu cầu dự trữ thực phẩm khi săn được con thú lớn của bà con dân tộc Thái.

 Bà Xuân (trong bài) đang kiểm tra lại thịt trâu tươi để ướp gia vị
Bà Xuân (trong bài) đang kiểm tra lại thịt trâu tươi để ướp gia vị

Ngày nay, thịt trâu gác bếp trở thành thứ hàng hóa không thể thiếu ở vùng Tây Bắc.

Chị Lò Thị Doan, bản Lầu, phường Chiềng Lề, TP.Sơn La – hộ chuyên chế biến thịt trâu gác bếp, cho biết: “Để chế biến được món thịt trâu gác bếp này, tôi thường chọn lựa rất kĩ ngay từ khâu mua thịt làm nguyên liệu. Thịt được rửa sạch, thái từng miếng dài 12-18cm với bề dày khoảng 3-4cm hình khối. Với hình khối như vậy, miếng thịt đủ mỏng để khi ướp gia vị dễ ngấm hơn nhưng lại đủ dày để giữ lại màu hồng tươi và vị ngọt đặc trưng của miếng thịt sau khi chế biến.

Thịt trâu muốn ngon và lạ mắt thì phải dùng que tre để xiên thịt treo lên gác bếp
Thịt trâu muốn ngon và lạ mắt thì phải dùng que tre để xiên thịt treo lên gác bếp
Khi hun thịt, phải dùng củi tốt và hun khó từ từthì thịt mới ngon
Khi hun thịt, phải dùng củi tốt và hun khó từ từthì thịt mới ngon
Những chiếc xiên thịt treo lủng lẳng trên gác bếp mộc mạc
Những chiếc xiên thịt treo lủng lẳng trên gác bếp mộc mạc

“Các gia vị ướp thịt như: ớt, gừng, tỏi, hạt tiêu, mắc khén...đều được trồng trên nương nhà mình nên luôn bảo đảm sạch và đậm đà hương vị.Thịt ướp xong được dùng que tre xiên lại và treo lên gác bếp hoặc trên giàn than củi để hong khô và lấy màu, lấy mùi khói”, chị Doan cho biết thêm.

Nếu cứ để trên gác bếp, thịt trâu khô có thể bảo quản được từ 7 – 8 tháng mà hương vị và chất lượng vẫn được giữ nguyên. Trước khi ăn, bà con thường mang thịt đồ (hấp) lại hoặc vùi than nóng cho chín. Khi ăn, miếng thịt khô được xé dọc thớ thịt, tạo nên những sợi thịt đậm đà nhiều hương vị tự nhiên của núi rừng Tây Bắc.

Món ăn dân dã trở thành hàng hóa đặc sản

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Tòng Thị Xuân, bản Lầu, phường Chiềng Lề, TP.Sơn La cho biết: “ Gia đình tôi kinh doanh thịt trâu gác bếp từ năm 2008. Sản phẩm của tôi được làm từ thịt sạch, không dùng chất bảo quản. Sau đó tôi dùng máy hút chân không đóng gói thành từng túi với trọng lượng tùy theo yêu cầu của khách hàng. Trung bình mỗi năm tôi bán ra thị trường gần 10 tấn thịt trâu khô. Trừ chí phí, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 600 triệu đồng”.

Bà Tòng Thị Xuân đang chuẩn bị đóng gói thịt trâu khô
Bà Tòng Thị Xuân đang chuẩn bị đóng gói thịt trâu khô
Thịt trâu gác bếp sau khi chế biến xong có màu nâu sẫm và rất thơm
Thịt trâu gác bếp sau khi chế biến xong có màu nâu sẫm và rất thơm
Thịt trâu gác bếp được bầy cùng với tương ớt trên mâm đãi khách
Thịt trâu gác bếp được bầy cùng với tương ớt trên mâm đãi khách

Khi ăn thịt trâu khô có thể hấp chín lại bằng nồi đồ xôi, nồi cơm điện hoặc bằng lò vi sóng…..để thịt có độ ẩm và mềm. Thịt khô nếu được chấm chặm chéo (thứ đồ chấm của người Thái), hoặc với tương ớt, nước mắm sẽ làm tăng thêm vị ngon.

Hà Hoàng – Quốc Định