dd/mm/yyyy

Doanh nghiệp chưa bắt nhịp với sự thay đổi từ Trung Quốc

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, cách đây hơn 1 năm, phía Trung Quốc đã cảnh báo sớm về những thay đổi của họ trong chính sách kiểm soát nhập khẩu hàng nông sản nhưng dường như doanh nghiệp của ta vẫn chưa theo kịp những yêu cầu này.

Từ sự thay đổi của Trung Quốc trong chính sách kiểm dịch nông sản cho thấy, đây không còn là một thị trường dễ tính. Nhận định của ông như thế nào?

Đợt kiểm tra, giám sát vừa rồi với mặt hàng thanh long cho thấy, Trung Quốc đang tiến tới tiệm cận quy định của các nước tiên tiến. Tất nhiên, việc thông báo của họ cho ta và ta thông báo cho khu vực sản xuất và nhà xuất khẩu phải xem xét lại, hai bên cùng trao đổi rút kinh nghiệm để chủ động. Nếu như quy trình kiểm tra xe sau sản xuất như thế thì thông báo cho các tỉnh lượng hàng lên như thế nào cho phù hợp. Thực tế, thanh long ùn ứ là do mỗi ngày Hải quan Trung Quốc chỉ cho thông quan 162 xe nhưng có đến 200 xe lên.

Doanh nghiệp chưa bắt nhịp với sự thay đổi từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Từng đoàn xe container chờ được thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Trung Quốc ngày càng đưa ra những tiêu chí về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu đảm bảo hai yếu tố đó thì mới nhập được hàng vào. Cách đây hơn 1 năm, họ đã cảnh báo về điều này nhưng sự bắt nhịp, chuyển biến của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, Global GAP để đảm bảo được an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Cho đến thời điểm này, tình hình tiêu thụ thanh long ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) như thế nào, thưa ông?

Có thể thấy, có mấy yếu tố gây ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo thông tin cho biết, quy trình kiểm tra xe của Trung Quốc trước đây chỉ mất 2 phút, bây giờ phải mất tới 6 phút. Như vậy, thời gian kiểm tra xe ngay từ đầu vào đã tăng gấp 3 lần. Thứ hai, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch thanh long, lượng hàng tăng lên mà thủ tục lại kéo dài nên mới có hiện tượng ùn ứ, lúc cao điểm có hơn 500 xe bị tắc.

Tôi đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan phối hợp với phía Trung Quốc như Hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, biên phòng... tăng cường thời gian kiểm tra hàng thông quan lên 9 giờ/ngày. Có những thời điểm đề nghị họ tiếp nhận đến 9h tối, tức 10h Trung Quốc. Nếu làm được như thế một ngày sẽ tăng được trên 300 xe, lượng nông sản sẽ được tiêu thụ, đảm bảo được chi phí vận chuyển, chất lượng. Trong 2-3 ngày hôm nay, lượng xe tồn đọng giảm.

Nhưng rõ ràng, hiện tượng ùn ứ ở cửa khẩu không phải là lần đầu, thường cứ vào cao điểm mùa vụ là xảy ra hiện tượng này. Vậy về lâu dài, chúng ta cần có giải pháp gì khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Trước mắt và lâu dài phải quy hoạch sản xuất bài bản hơn, tính được nhu cầu thị trường và sản lượng thu hoạch. Thứ hai là bằng giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, chúng ta phải rải vụ để sản lượng có thể cao hơn nhưng tiêu thụ vẫn thuận lợi, được giá.

Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo địa phương rà soát lại theo chiến lược sản xuất thanh long trên toàn quốc, cũng như các loại cây trồng khác để có định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT): Chủ động đáp ứng sẽ thành công

Từ sự chủ động đáp ứng các yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp ngành chế biến sữa cho thấy, nếu các doanh nghiệp nỗ lực, ngành chức năng vào cuộc tích cực thì không chỉ có mặt hàng sữa mà còn nhiều mặt hàng khác sẽ có cơ hội ở thị trường Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh thú y, giám sát an toàn dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ cơ sở chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa theo yêu cầu tại Nghị định thư; thực hiện việc giám sát định kỳ để xác định được mức độ lưu hành mầm bệnh theo quy định, ít nhất tại 50% số hộ, cơ sở, trang trại có nuôi gia súc được lấy mẫu để xét nghiệm.

Dự kiến đến tháng 12/2022, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh, tạo cơ sở cho sản phẩm sữa của Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường khó tính, từ đó thúc đẩy nghề chăn nuôi bò sữa phát triển.


Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Cần điều tiết sản xuất cho phù hợp

Bên cạnh giải pháp phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT về công tác đàm phán, mở rộng diện mặt hàng xuất khẩu thì cần triển khai đàm phán diện mặt hàng được chấp nhận thông quan tại nhiều cửa khẩu. Ví dụ, có thể đàm phán để quả thanh long được xuất khẩu tại nhiều cửa khẩu khác chứ không chỉ ở Tân Thanh; các địa phương, vùng trồng, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần điều tiết lượng hàng hóa đưa ra cửa khẩu sao cho phù hợp, tránh hiện tượng ùn ứ trong thời gian tới.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường làm việc với các tỉnh thành để quán triệt, tác động các tỉnh, địa phương vào cuộc, chủ động kết nối tiêu thụ hàng hóa sản phẩm. Đồng thời, Bộ cũng có công văn khuyến cáo các địa phương, vùng trồng, các hiệp hội, doanh nghiệp điều tiết phù hợp lượng hàng hóa đưa ra cửa khẩu, tránh hiện tượng ùn ứ trong thời gian tới.

Về mặt chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc, nhất là hải quan Trung Quốc, để đưa ra một quy trình làm sao thống nhất trên cơ sở tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động xuất nhập khẩu.

P.V (ghi)


Bài, ảnh: Khánh Nguyên