dd/mm/yyyy

Điện phập phù uy hiếp ao nuôi, nông dân “thắt lòng” bán tôm non

Cũng như nhiều địa phương, những ngày qua xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên nhiều giờ ở Nam Định. Trước tình hình này, người nuôi tôm ở xã Hải Đông (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vội vàng bán “chạy” tôm non với giá thấp và sản xuất cầm chừng.

Bán tôm non vì điện phập phù

Hải Đông là xã ven biển, có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nhì huyện Hải Hậu. Người dân nơi đây chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; tất cả nguồn thu nhập của họ đều trông chờ vào các ao, đầm nuôi tôm.

Những năm gần đây, giá vật tư đầu vào (thức ăn công nghiệp, giá tôm giống…) tăng cao, trong khi đó giá tôm thương phẩm lại thấp, luôn biến động, khiến các chủ đầm nuôi tôm ở xã Hải Đông nói riêng, ở huyện Hải Hậu nói chung gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hiện tại, họ cũng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, có nguy cơ phá sản.

Trang trại nuôi tôm công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn (xã Hải Đông) có tổng diện tích khoảng 1,5ha với 4 ao nuôi rộng hàng nghìn m2 và hàng chục bể xi măng ương tôm giống. Hệ thống các ao nuôi, bể ương tôm liên kết với nhau rất chặt chẽ. Toàn bộ ao nuôi, bể ương được lắp đặt các thiết bị có sử dụng đến nguồn điện lưới như máy sủi, quạt tạo oxy, máy bơm nước... Các thiết bị này hoạt động 24/24 giờ, không ngừng nghỉ. Trường hợp mất điện đột ngột, gia đình anh sẽ sử dụng máy phát điện dự phòng, đảm bảo cho hoạt động sản xuất.

Điện phập phù uy hiếp ao nuôi, nông dân “thắt lòng” bán tôm non - Ảnh 1.

Hàng chục bể ương tôm giống của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn đang bỏ không. Ảnh: Mai Chiến

Gia đình ông Phạm Văn Bốn (xã Hải Đông) có 3 ao nuôi tôm, rộng hơn 2.000m2. Sau một thời gian phơi ao, ông dự tính đầu tháng 6 Dương lịch sẽ mua hơn 1 vạn tôm giống về nuôi. Thế nhưng, thời gian qua, trên địa bàn xã mất điện liên tục, không đảm bảo cho việc sản xuất tôm nên gia đình ông chưa thể vào vụ sản xuất tôm mới.

Tuy nhiên, máy móc cũng như con người, nếu hoạt động quá sức, quá tải, ắt sẽ gặp sự cố. Bởi thế, chỉ trong vòng 1 tuần vừa qua, cả 2 hệ thống máy phát điện của gia đình anh Sơn đều lăn đùng ra "chết"; nguyên nhân do hoạt động quá sức, không có thời gian nghỉ. Máy phát điện hỏng, gia đình anh cuống cuồng gọi thợ sửa chữa ngay trong đêm, để chậm là các ao tôm bị uy hiếp.

Hơn 1 tuần nay, tình trạng cắt điện luân phiên, mỗi lần cắt điện kéo dài từ 9 - 10 tiếng đồng hồ đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tôm của trang trại; vợ chồng anh Sơn mất ăn, mất ngủ, luôn trong tình trạng lo âu, không dám rời khỏi nhà, thay phiên nhau túc trực lo nguồn điện. "Từ hôm cắt điện luân phiên, máy phát điện của trang trại phải hoạt động liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, không có thời gian để máy nghỉ, hồi sức, nên cả 2 máy đều gặp sự cố. Đến nay, gia đình đã sửa xong 1 máy và đang đưa vào hoạt động, còn 1 máy phải gửi lên tận Hà Nội mới có thiết bị phụ tùng thay thế, chưa biết khi nào mới sửa xong. Dự toán, 2 máy phát điện sửa chữa hết khoảng 30 triệu đồng, thiệt hại kinh tế nặng nề" - anh Sơn buồn bã nói.

Do nguồn điện không ổn định, vừa qua, gia đình anh Sơn phải "cắn răng" bán "chạy" vội khoảng 1 tấn tôm non (tôm chưa đủ thời gian nuôi để bán - PV) với giá thấp để cứu vãn tình thế lúc đó.

Máy phát điện hỏng, nguồn điện lưới phục vụ cho sản xuất không ổn định, 70% diện tích nuôi tôm của gia đình anh Sơn đang phải tạm dừng hoạt động. Ao nuôi phơi đáy, bể ương tôm dù đã bơm đầy nước, sẵn sàng cho vụ nuôi mới nhưng vẫn phải "treo" bể. Số diện tích còn lại đang nuôi tôm thẻ chân trắng 2 tháng tuổi, do đó mọi thiết bị vẫn phải hoạt động. Quạt tạo oxy, máy sủi bọt… chạy liên tục trong mùa nắng nóng này.

Điện phập phù uy hiếp ao nuôi, nông dân “thắt lòng” bán tôm non - Ảnh 3.

Hệ thống bể nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Hải Đông) đang phải tạm dừng sản xuất. Ảnh: Mai Chiến

Công suất nguồn điện ở miền Bắc được cải thiện

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, đến ngày 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.

P.V

Chỉ tay về khu vực bể ương tôm giống, anh Sơn rầu rĩ cho hay, gia đình anh đã đặt mua hơn 10 vạn tôm giống, nhưng thời gian gần đây nguồn điện không ổn định, lo sợ gặp sự cố nên gia đình chưa dám lấy về nuôi. Hàng chục bể ương tôm đang phải tạm dừng hoạt động, phơi nắng. "Bể ương tôm giống thì để không, phơi nắng, nhưng gia đình không dám nuôi vì nguồn điện lưới không ổn định, mất liên tục. Nếu lấy nguồn điện từ máy phát điện thì sợ quá tải, trường hợp máy tiếp tục gặp sự cố thì xác định mất trắng. Vì tôm giống chỉ cần mất điện khoảng 15 phút là tôm sẽ bị ngạt khí và chết" - anh Sơn cho hay.

Mất tiền triệu mỗi ngày để "nuôi" máy phát điện

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) cũng đang lo sốt vó, tìm mọi giải pháp để giảm thiểu thiệt hại kinh tế gia đình trước tình trạng cắt điện luân phiên.

Với tổng diện 1,2ha, anh Cường xây 80 bể xi măng và 3 ao lớn để nuôi và ương tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng, hiện nay chỉ có 3 ao nuôi đang hoạt động; còn lại các bể xi măng trống huơ trống hoác, lộ cả đáy bể, phải tạm dừng sản xuất; các thiết bị, hệ thống sủi bọt, tạo khí cũng đang được đắp chiếu, chống hư hỏng. Nói nôm na là gia đình anh Cường đang sản xuất cầm chừng.

Anh Cường lý giải, do những ngày qua, hệ thống điện lưới hoạt động không ổn định, trong khi đó máy phát điện của gia đình không đủ truyền tải cho cả trang trại nên toàn bộ bể xi măng phải tạm dừng hoạt động. Gia đình chỉ tập trung sản xuất vào 3 ao lớn đã nuôi tôm được vài tháng nay, chứ chưa dám lấy tôm giống về nuôi.

"Việc cắt điện liên tục, nhiều giờ đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, sản xuất của trang trại. Bể ương, bể nuôi tôm thì để không, quá lãng phí. Những ngày cắt điện, hệ thống máy phát điện phải hoạt động liên tục, không có thời gian nghỉ, do đó sự cố máy hư hỏng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không thể nói trước được" - anh Cường tâm sự.

Thời gian qua, gia đình anh Cường đang phải "cõng" thêm nhiều chi phí trong sản xuất. Theo tính toán, cứ 1 giờ đồng hồ, hệ thống máy phát điện của trang trại "uống" hết 12 lít dầu.

Anh Cường nhẩm tính, trung bình mỗi ngày mất điện khoảng 10 tiếng đồng hồ. Tính ra, sử dụng hết khoảng 120 lít dầu/ngày. Với giá mua là gần 19.000 đồng/lít, vị chi mỗi ngày trang trại tiêu tốn hết khoảng 2 triệu đồng tiền dầu. Bởi thế, chi phí sản xuất cũng tăng cao hơn nhiều so với sử dụng điện lưới.

"Đã nuôi tôm là phải sử dụng đến nguồn điện. Nếu nguồn điện không ổn định thì việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, gây tổn thất cho trang trại. Tôi mong muốn, Nhà nước sớm tháo gỡ khó khăn để nguồn điện lưới hoạt động ổn định như trước"-anh Cường mong muốn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo NTNN, gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn (xã Hải Đông) cũng phải bỏ ra tiền triệu mỗi ngày để "nuôi" máy phát điện cỡ lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình anh Sơn đã sử dụng hết gần 1.000 lít dầu, phục vụ cho máy phát điện. Anh cho biết: "Điện mất, chi phí sản xuất tôm cũng tăng cao. Thời gian tới, nếu chúng tôi bán tôm với mức giá như hiện tại, khoảng 90.000 - 110.000 đồng/kg, thì chắc chắn sẽ không có lãi, mà lỗ vốn to". 

Mai Chiến