Mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt đáy huyện Đầm Dơi tại huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh minh họa
Thách thức dịch bệnh
Mới đây, Úc đã gỡ bỏ lệnh cấm các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào nước này do Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc cho rằng nguy cơ lây lan virus đốm trắng từ các sản phẩm này là thấp hoặc không có nguy cơ gây nên lây lan.
Trước đó, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại bang Quuensland nên chính phủ Úc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và tôm chưa nấu chín từ các nước châu Á. Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng)
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng họ đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD vì mỗi tháng xuất khẩu sang thị trường Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Trương Đình Hòe, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), dù không phải là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhưng Úc là thị trường tiềm năng của Việt Nam bởi thị trường này đang có sức hấp dẫn với doanh nghiệp khi nhu cầu tiêu thụ tôm tăng dần. Mỗi năm xuất khẩu tôm sang Úc đạt trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, không chỉ có Úc, mặt hàng tôm cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn ở các thị trường khác. Hằng năm, Việt Nam là một trong các quốc gia có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, từ năm 2014 đến hết năm 2016 đã có hơn 32.000 tấn hàng bị trả về.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo, tình trạng kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh… nhưng hiện tại chưa có đơn vị nào hỗ trợ nông dân. Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị hiệu quả, tỉ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30%-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%; giá thành tôm của Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg. Do đó, để có thủy sản sạch thì chính doanh nghiệp phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi, từ đó mới có được nghề tôm phát triển bền vững.
Cần tiếp sức cho doanh nghiệp
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận cho rằng: Việt Nam là nước có lợi thế to lớn để phát triển ngành tôm và đưa xuất khẩu tôm đạt được 10 tỉ USD trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện sản xuất tôm vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể từ khâu con giống, thức ăn, chế biến… Đặc biệt là thiếu quy hoạch cho từng vùng nuôi tôm trên cả nước, chưa kịp thời đáp ứng cho sự phát triển, từ đó quản lý quy hoạch còn hạn chế và chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên phục vụ cho ngành nuôi trồng tôm,...
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công Ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận)
Thực trạng trên dẫn đến khó kiểm soát ô nhiễm môi trường ở những nơi có nuôi tôm (đây là những nguy cơ dễ gây dịch bệnh, thất bại cho người nuôi tôm, cho ngành tôm, làm cho sản lượng không ổn định). Vấn đề quản lý vật tư đầu vào cho nuôi tôm như thức ăn, thuốc thú y còn kém nên tình trạng thuốc giả , thuốc kém chất lượng được buôn bán tràn lan… Tín dụng cũng chưa dành riêng cho chuỗi ngành tôm một gói ưu đãi phù hợp về lãi xuất, về giá trị được vay, thời hạn vay, cơ cấu nợ phù hợp ...
Cùng chung quan điểm trên, ông Trương Hữu Thông - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận với 27 năm trong nghề, có doanh số xuất khẩu tôm 76 triệu USD trong năm 2016 chia sẻ: Tôi rất đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là phải tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Biến bất lợi thành lợi thế. Con tôm là một trong những đối tượng nuôi quan trọng cho kế hoạch này.
Ông Trương Hữu Thông - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận
Cũng theo ông Thông, doanh nghiệp chế biến tôm của Việt Nam đứng trong nhóm đầu của các nước cạnh tranh ngành tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ là các rào cản thị trường và chi phí giá thành cao nên chưa đủ sức cạnh tranh. “Trong các thị trường xuất khẩu cần chú tâm đến 4 thị trường lớn là Mỹ, Nhật, EU và Anh Quốc, Hồng Kông Trung Quốc.
Để xuất khẩu tôm tăng trưởng và đạt mục tiêu 10 tỉ USD, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị: cần giảm giá điện trong nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu (chi phí này chiếm từ 15 đến 20% chi phí giá thành); giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu (Việt Nam hiện đang cao hơn so với các quốc gia cạnh tranh); kiểm soát chặt yếu tố môi trường, kiểm soát tình trạng sử dụng kháng sinh cấm, chất cấm, thuốc thú y, chế phẩm sinh học cho tôm… Đặc biệt là phải xử lý nghiêm tình trạng bơm tạp chất vào tôm để giữ thương hiệu và ngày càng nâng cao uy tín con tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức ở Cà Mau mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỉ USD. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước. Về tầm nhìn trong thời gian tới, Thủ tướng cũng cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần đi tắt trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các công nghệ tiên tiến liên quan đến sản phẩm tôm như sản xuất con giống, nguồn thức ăn, công nghệ sinh học và tự động hóa trong nuôi trồng, chế biến tôm.