dd/mm/yyyy

Đầu vụ cây điều thay lá, ra bông rất đẹp, giờ hiu hắt vì mưa trái mùa, bọ xít muỗi, bọ trĩ tấn công

Cây điều từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo vì dễ trồng, thích nghi khô hạn. Nhưng này, để tiếp tục sống được với cây điều, nông dân phải từng mùa đánh cược với thời tiết. Vụ thu hoạch ở đợt ra bông đầu tiên, nhiều vườn điều đã thất thu vì mưa trái mùa.

Đợt ra bông lần cuối tiếp tục đối diện khó khăn vì thời tiết vẫn bất thường.

Phập phồng chờ thời tiết

Ông Nguyễn Minh Nhật đang trồng 1,5ha điều ở xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cho hay, năm nay mất mùa nặng. Hai cơn mưa lớn vừa rồi khiến bông điều hư hết. Thời tiết thất thường khiến rầy trắng xuất hiện, gây hại cho bông, trái. Chủ vườn phun xịt thuốc mãi mà không thấy hết.

Vườn điều của ông Nhật chuẩn bị bước vào cuối vụ nhưng bông điều đã gần như hết. Đến cuối vụ, sẽ rất ít cây có thể cho thu hoạch thêm. Vụ điều năm ngoái, ông Nhật thu hoạch trên 4 tấn điều tươi. Vụ này, ông ước năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha.

Điều vốn là loại cây rất nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị mất mùa. Thực tế những năm gần đây, năng suất cây điều có xu hướng giảm dần. "Nông dân luôn chật vật với cây trồng xoá đói giảm nghèo một thời" - ông Nhật nói.

Cây xóa đói giảm nghèo đánh cược với... thời tiết - Ảnh 1.

Nông dân xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng, Bình Phước) thu lượm hạt điều. Ảnh: N.V

"Năng suất điều năm nay có thể giảm từ 10 - 20%. Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 174.000ha điều. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn đến cây điều".

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc

Sở NNPTNT Bình Phước

Tại huyện Bù Đăng - vùng chuyên canh cây điều lớn nhất Bình Phước, nhiều nông dân cũng đối diện mùa điều trắng tay dù đã chăm sóc cây điều theo đúng kỹ thuật. 

Chủ vườn điều Hoàng Văn Định ở xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) kể, từ năm ngoái, công tác chuẩn bị cho vụ điều được triển khai rất tốt. 

Đầu vụ, vườn điều thay lá và ra bông rất đẹp, không chê vào đâu được. Thế nhưng, những cơn mưa trái mùa sau Tết đến nay khiến các vườn điều hư bông gần hết. Nông dân chỉ còn biết trông chờ vào đợt ra bông điều lần cuối.

Hiện nay, cách duy nhất để xử lý sau mưa trái mùa là phun thuốc để khắc phục tạm thời. Đây là cách giúp chủ vườn duy trì tỷ lệ đầu bông, hòng cứu vãn sản lượng điều. Nhờ cách này, thay vì mất trắng, tỉ lệ đậu trái của nhiều vườn vẫn giữ được sản lượng khoảng 50 - 70% so với vụ trước.

Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Thắng - chủ vườn điều ở xã Thống Nhất lo lắng vì vụ điều đã đi qua 2/3 mùa vụ. Hiện nông dân vừa chăm sóc vụ cuối vừa đánh cược với thời tiết. Bởi phần lớn bông đực đã hết, bông cái thì mới nở. Lượng phấn sẽ không đủ để thụ phấn cho bông. Trong khi mưa trái mùa chưa có dấu hiệu ngừng…

Năm nay, nhiều vườn điều lại có hiện tượng ra bông không đồng loạt. Nông dân rất khó phun xịt thuốc dưỡng trái hoặc phòng trừ sâu bệnh đồng loạt. Muốn giữ được tỷ lệ bông điều, chủ vườn phải tốn một khoản đầu tư lớn vì giá vật tư đang tăng cao.

Chông chênh cây điều

Ông Đào Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho biết, toàn huyện có 61.000ha điều. Mưa trái mùa liên tục xuất hiện, kéo theo đó là bọ xít muỗi và bọ trĩ tấn công, khiến nhiều vườn điều rơi vào tình trạng mất mùa. 

Thống kê sơ bộ, năng suất điều của huyện Bù Đăng giảm khoảng 6 - 7 tạ/ha so với mùa vụ năm trước. Năng suất giảm là một kết cục buồn vì nông dân đã đầu tư nhiều kinh phí, công chăm sóc.

Ông Nguyễn Xuân Vấn ở xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập) cho biết, phun xịt thuốc chỉ là giải pháp hỗ trợ. Còn chi phí phân bón chiếm 50%, tác động vào thành bại của mùa vụ. Phần còn lại trông chờ vào thời tiết. Vì thế, dù đầu tư rất nhiều nhưng vụ điều thất thu ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân. 70% lượng bông điều đã nở, 30% còn lại sẽ nở vào cuối mùa. "Chỉ mong trời đừng mưa nữa. Nếu tiếp tục mưa trái mùa thì việc phun thuốc khó hiệu quả" - ông Vấn cho biết.

Không chỉ thời tiết thất thường, giá bán điều tươi đang tiếp tục giảm, làm gia tăng áp lực với nông dân. Giá điều hiện được thương lái thu mua từ 23.000 - 25.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ 5.000 đồng/kg. Không khí thu mua tại các vùng chuyên canh trên địa bàn huyện Bù Gia Mập khá trầm lắng.

Bà Nguyễn Thị Linh, thương lái mua điều cho biết, cùng kỳ năm ngoái, mỗi ngày bà có thể thu mua hơn 10 tấn điều tươi. Còn bây giờ, mỗi ngày bà chỉ mua được từ 4 - 5 tấn, ít hơn một nửa. Nông dân thì mất mùa, thương lái cũng không thể mua được điều tươi để giao cho công ty. 

Nguyễn Vy