dd/mm/yyyy

Đánh thức tiềm năng mô hình cá - lúa ở xứ Thanh

Vừa tận dụng được diện tích mặt nước bỏ hoang; vừa biến những bất lợi thành ưu điểm; lại nâng cao giá trị kinh tế… đó là cách mà nông dân xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đang áp dụng và bước đầu thành công với mô hình lúa – cá ở địa phương.

“Ruộng vàng” bị bỏ phí

Đã thành lệ, cứ 2-3h sáng, khu đồng rộng lớn ngay sau UBND xã Hà Lĩnh lại nhộn nhịp như một chợ cá, bởi đấy là lúc “cánh thương lái vào ăn hàng”. “Họ đi cân cá còn kịp giờ bán chợ sớm” – ông Hoàng Văn Cương, một trong những hộ người tham gia tổ nhóm nuôi cá theo mô hình bán tự nhiên ở đây giải thích. Hôm nay thương lái thu mua ở tổ ông gần 10 tạ cá các loại, giá trung bình 50.000-60.000 đồng/kg.

Cá thường được đánh bắt từ chiều hôm trước, quây lưới gần bờ để sáng hôm sau giao có thương lái vẫn đảm bảo tươi ngon.
Cá thường được đánh bắt từ chiều hôm trước, quây lưới gần bờ để sáng hôm sau giao có thương lái vẫn đảm bảo tươi ngon.

Khi chiếc xe tải cuối cùng rời đi thì trời cũng tang tảng sáng. Lúc này, ông Cương mới có dịp ngồi nhâm nhi lâu hơn bên ấm trà đã nguội. Chỉ tay ra phía những cánh đồng xâm xấp nước, ông bảo: “Từ tháng 1 tới tháng 5 hắn là ruộng lúa, thời gian còn lại hắn là hồ cá”. Có lẽ ngay chính bản thân ông Cương cũng không tin nổi có ngày lại thu lợi được chính khu đồng mà trước đây chỉ một vụ lúa còn bấp bênh.

“Mong muốn lớn nhất của anh em chúng tôi là được thầu khu ruộng này với thời hạn dài hơn, vừa để khai thác hiệu quả, vừa có thời gian hoàn vốn cho khối lượng lớn ngư cụ đã mua sắm. Bên cạnh đó, cũng rất mong lãnh đạo các cấp xem xét hỗ trợ cho chúng tôi được xây dựng thêm các bể ương cá hoặc trữ cá. Tránh thực trạng ồ ạt bán ra như hiện nay, rất dễ bị thương lái ép giá” – ông Hoàng Văn Cương kiến nghị.

Hà Lĩnh vốn là “rốn nước” của huyện Hà Trung, nơi luôn lụt sớm nhất và nước rút chậm nhất. Chẳng thế mà một vụ lúa cũng không ăn chắc vì cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi chưa có hệ thống đê bao thì cũng dễ mất sạch mỗi khi có lũ tiểu mãn về.

Chưa kể gọi là thêm 1 vụ nhưng lúa chét cũng bấp bênh, “năm thuận còn được 80kg/sào, năm nào kém chỉ được 50kg/sào. Mà cái giống lúa chét hắn phải gặt tay chớ gặt máy thì nát hết” – ông Cương kể - “lại còn vất vả nữa vì không phải nhà nào cũng có nhân công thu hoạch, những nhà chỉ người già trẻ em họ bỏ luôn vụ lúa chét, có khu ruộng rậm rì rì mà chẳng ai thu hoạch”.

Nước lũ về mang theo nguồn thủy sinh lớn, cá tôm đua nhau nhảy tanh tách giữa các gốc rạ chìm trong nước. Với những đám ruộng bỏ không, lúa chét bỗng trở thành thức ăn lý tưởng cho cá tôm, chẳng thế mà dù không được chăm bẵm gì chúng vẫn lớn như thổi, thịt lại ngon, ngọt, chắc – nổi tiếng cả vùng.

Chất lượng là thế, nhưng vì chẳng ai chú tâm nên chỉ một số hộ đánh bắt bằng kíp điện, cứ dí que xuống đồng là lúc sau cá tôm nổi bập bềnh, trắng xóa. Thành ra ngon đấy nhưng lợi ích kinh tế chẳng đáng bao nhiêu, lại còn tận diệt cả nguồn lợi tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Đến năm 2015, xã có chủ trương thực hiện mô hình lúa cá với 2 vụ lúa – 1 vụ cá, nhưng thời gian nuôi cá bị ngắn lại, trong khi vụ lúa chét vẫn cho thu nhập không đáng kể, thế là từ năm 2018 chỉ còn 1 lúa – 1 cá. Trước chỉ thầu 3 năm nhưng từ 2018 thì tăng lên thành 5 năm để các tổ nhóm có thể đầu tư ngư cụ, tiện cho việc đánh bắt lâu dài.

Cũng từ đó khu đồng vốn chỉ là nơi trữ nước bỗng thành “ruộng vàng” đầy tiềm năng, còn nông dân có thêm nguồn lợi lớn mà lại nhàn hơn cả trồng lúa. Chẳng ai bảo ai, họ tự liên kết với nhau thành các tổ nhóm cùng nhau nhận thầu với HTX nông nghiệp để nuôi cá.

“Làm chơi ăn thật”

Để dồn đổi được diện tích mặt nước phù hợp với nuôi cá số lượng lớn, các tổ nhóm đã thỏa thuận với các chủ ruộng để thống nhất mức đền bù hợp lý, lãnh đạo xã không can thiệp, chỉ đứng ra làm “trọng tài”. Các hộ đấu thầu có trách nhiệm hoàn trả lại mặt bằng trước 25.12 âm lịch để chủ ruộng chuẩn bị cho công việc cấy hái.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lĩnh cho hay: “120.000 đồng/sào không phải là mức đền bù cao, nhưng đủ để bà con trang trải các chi phí mùa vụ với HTX nông nghiệp. Mà cái lợi quan trọng nhất là sau khi nuôi cá, đất như được hồi sinh nhờ các chất dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên từ phân cá, phù du… bà con không mất nhiều công sức, chi phí làm lại đất. Chỉ việc xới lên phơi khô, sau đó xuống giống là được. Không gì tiện bằng”.

Mà đúng là tiện thật, sau vụ lúa các tổ nhóm nhận mặt bằng, bơm nước vào đồng, thả giống rồi “ung dung” chờ cá lớn.

Thức ăn thì sẵn mầm lúa chét, sẵn cỏ rêu mọc tự nhiên dưới đáy, nguồn nước thì đã có hệ thống cống, bờ bao tiêu thoát tiện lợi, chẳng “công to việc lớn gì” nên họ làm cứ như chơi.

Cũng là một trong số những tổ nhóm nuôi cá khu đồng này, ông Lưu Xuân Dương kể: “Từ ngày nuôi cá theo mô hình bán tự nhiên, mỗi anh em trong tổ cũng có thêm 30-40 triệu đồng/vụ, lại không vất vả gì nên dù còn khó khăn chúng tôi vẫn bảo nhau cố gắng làm lâu dài”.

Tiếp mạch câu chuyện đang hào hứng, ông Hoàng Đức Tuất giải thích thêm: “Để có sẵn cá tươi bán cho thương lái, từ chiều hôm trước chúng tôi tổ chức vây lưới, đánh sẵn lượng cá mà thương lái yêu cầu, gom về gần bờ. Sáng hôm sau chỉ việc phân loại rồi cân, nhận tiền là xong. Thành ra anh em có thêm thời gian giúp gia đình, giúp nhau các công việc đồng áng khác”.

Sau thời gian cân cá cho thương lái buổi sáng, ông Tuất, ông Cương, ông Dương cùng mấy anh em trong tổ nhóm lại ngồi trong cái chòi giữa đồng, hun hút gió, châm điếu thuốc lào hoặc pha ấm trà đặc rồi hàn huyên. Việc làng việc xóm hay việc gia đình họ chẳng lơ là, và vẫn có thời gian chăm cá. Chẳng thế mà ông Tuất nói đùa: “Giờ ở nhà cả ngày vợ lại sinh nghi”.

Tiếng cười rộ lên, lao xao trong gió. Phía xa những con cá nghịch ngợm thỉnh thoảng quẫy đuôi, tung mình như làm xiếc.

Bài, ảnh: Tố loan