Đã có 25 mã số vùng trồng
Là một trong những đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng, hiện nay, Hợp tác xã Ngọc Lan ở huyện Mai Sơn có 25 hộ chuyên trồng cây ăn quả với diện tích 170ha, trong đó có 70ha trồng xoài xuất khẩu đi Australia và 40ha trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc HTX Ngọc Lan cho biết, nếu như trước đây, bà con chỉ nghĩ làm sao trồng được nhiều quả để bán, còn hiện nay người dân đã tính đến việc cùng một loại quả nhưng bán được nhiều tiền hơn.
Từ kinh nghiệm rút ra trong vụ xuất khẩu năm 2018, năm 2019, các thành viên HTX Ngọc Lan đã tuân thủ nghiêm quy trình làm hàng xuất khẩu. Đơn cử như trong quá trình chăm sóc cây bà con sẽ tiến hành cắt tỉa quả xấu, sau đó bọc quả trong túi chuyên dụng nhằm tránh bị côn trùng phá hoại...
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cải tạo vườn tạp đang mang đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tái cơ cấu ngành trồng trọt của Sơn La. Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Công Chất, hiện toàn tỉnh có trên 51.000ha cây ăn quả, sản lượng năm 2018 khoảng 280.000 tấn, gồm: Xoài, nhãn, chanh leo, cà phê, chè... Trong 2 năm qua, mỗi năm Sơn La trồng mới 11.000ha cây ăn quả và xuất khẩu đạt mức 20.000 tấn (khoảng 8% tổng sản lượng).
Ông Chất cho biết thêm, để nâng cao sản lượng nông sản xuất khẩu, tỉnh Sơn La đang nỗ lực thực hiện cuộc cách mạng về nền nông nghiệp hữu cơ sạch, an toàn để hướng tới tiêu thụ, xuất khẩu. Năm 2018, tỉnh xây dựng và duy trì, phát triển 61 chuỗi cung ứng nông sản thủy sản an toàn với 25 mã số vùng trồng với diện tích 288ha để có thể xuất khẩu vào các thị trường.
Ngoài ra, hiện, trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở, xưởng, nhà máy, chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng trên 100.000 tấn/năm, trong đó 80% sản phẩm tham gia xuất khẩu.
Ông Hà Văn Hải - Trưởng bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) cho biết, hiện xã có hai hợp tác xã trồng xoài với tổng diện tích gần 40ha được cấp “mã vàng” xuất khẩu sang Australia.
Vi phạm sẽ thu hồi
Theo kế hoạch tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu đạt giá trị kim ngạch 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu nông sản ước đạt 135.317 tấn, tăng 1,47 lần, giá trị đạt 141,9 triệu USD, chiếm 94,6% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tập trung trồng mới 24.000 ha cây ăn quả; có 100.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp, rau các loại đủ điều kiện xuất khẩu, trong đó có 20.000 ha áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Sơn La đang xây dựng mỗi huyện, mỗi sản phẩm nông sản có một doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom chuyên nghiệp, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Củng cố và duy trì sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu với 9 sản phẩm đã đạt được. Tăng số mặt hàng tham gia xuất khẩu như sơn tra, bơ, cá tầm, thực phẩm nông nghiệp chế biến và các mặt hàng công nghiệp may mặc”, ông Chất tiết lộ.
Theo ông Chất, mục tiêu đến năm 2020, Sơn La sẽ nâng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 100.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn quả tươi để phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
“Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đàm phán mở cửa thị trường để một số sản phẩm như nhãn, xoài, chanh leo, bơ của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường một số nước như Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia... Trên cơ sở đó Sơn La tập trung xuất khẩu được các sản phẩm lợi thế của địa phương” - ông Chất kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quý Dương khẳng định, hiện nay, việc thực hiện mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm tại các huyện của tỉnh Sơn La đã và đang mang lại hiệu quả rất tốt. Mô hình này không chỉ giúp bà con thay đổi thói quen sản xuất mà còn giúp sản phẩm làm ra an toàn, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tuy nhiên theo ông Dương, việc thực hiện mô hình này chỉ là bước đầu cho một dự án dài hơi hơn. Bởi khi các hàng rào thuế quan dần được bãi bỏ thì nhiều nước tăng cường lập hàng rào kỹ thuật, trong đó có các yêu cầu về ngưỡng tồn dư tối đa (MRL) đối với nông sản xuất khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước.
“Những yêu cầu này nếu không được hiểu và chấp hành đúng sẽ là cản trở lớn cho nông sản Việt ra thị trường quốc tế. Do vậy, Cục BVTV đang tiến hành cấp mã số vùng trồng nhằm đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các trái cây đặc sản của tỉnh Sơn La. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài của ngành nông nghiệp mà chúng ta cần hướng tới và nhân rộng ở hầu hết các vùng trồng trái cây trọng điểm của Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Quý Dương, thời gian tới Cục BVTV tiếp tục khảo sát và đánh giá về các điều kiện để tiến hành cấp mã số vùng trồng khi thị trường địa phương/doanh nghiệp đề nghị.
Đồng thời, sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương trong tỉnh Sơn La để cấp mới và quản lý các mã số đã cấp.
“Dù đã được cấp mã số vùng trồng nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan để giám sát, quản lý, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và có thể bị thu hồi mã đã cấp”, ông Dương khẳng định.