Thực tế, khi thiết kế đô thị, quan trọng nhất là phải tính đến yếu tố địa hình, số lượng dân cư để dự báo khi xảy ra thời tiết cực đoan thì sẽ chống chịu ra sao.
Quy hoạch tầm nhìn 20-30 năm là quá ngắn
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng: "Tầm nhìn quy định là quy hoạch cần làm trong 10 năm, tầm nhìn 20 - 30 năm thì phải bám theo định hướng như vậy. Tuy nhiên, đối với Thủ đô và các thành phố lớn thì tầm nhìn chúng ta không thể ngắn như vậy được, 20 - 30 năm là quá ngắn hoặc thời kỳ thuộc vùng quy hoạch 10 năm cũng là quá ngắn, vì tốc độ phát triển cao hơn rất nhiều so với các đô thị khác. Vậy phải nhìn dài hơn, thời gian quy hoạch cũng phải dài hơn thì mới đảm bảo được tốc độ phát triển".
Trong khi đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) chỉ ra thực tế rất phổ biến hiện nay, đó là: "Nhiều nội dung, nhiều dự án làm xong rồi lại có những dự án khác chồng lấn làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường. Thứ hai là chất lượng công trình còn hạn chế. Một nội dung tôi rất quan tâm là lãng phí trong việc đầu tư các dự án khi chúng ta không có quy hoạch và tầm nhìn xa thì trong quá trình thực hiện sẽ không đảm bảo được".
"Nhiều địa phương đã làm quy hoạch nhưng quá trình thực hiện lại chưa tốt, chưa tôn trọng quy hoạch. Nếu làm tốt vấn đề quy hoạch sẽ tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ, câu chuyện muôn thủa cứ mưa là ngập như hiện nay".
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa)
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng: "Việc ngập đường cũng đã thể hiện và dự tính trong quy hoạch rồi nhưng cũng phải có điều chỉnh quy hoạch, thậm chí là bổ sung và cải tiến những hạ tầng công trình giao thông đã thực hiện, có thể là nhiều năm sẽ xuống cấp vì trong quy hoạch có quy hoạch tổng thể, có quy hoạch chung cấp quốc gia, cấp tỉnh, còn có cả quy hoạch chuyên ngành kĩ thuật".
Rõ ràng, để giải quyết vấn đề "cứ mưa là ngập" tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng, bên cạnh rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống cấp thoát nước, cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa bởi Hà Nội đang phải đứng trước rất nhiều thách thức, không chỉ mưa ngập mà còn thiếu đường sá, cây xanh, không gian mặt nước…
Cần tăng cường công tác dự báo
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay cứ mưa là ngập, ngay cả khi mưa chưa phải lớn lắm nhưng nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội đã ngập rất nặng. Tình trạng ngập úng sau mưa không chỉ diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay cả các thành phố khu vực miền núi cũng gặp phải.
"Có thể do bài toán quy hoạch chưa đảm bảo, cần khắc phục ngay, thậm chí cần cả một cuộc cách mạng tổng thể về quy hoạch. Quy hoạch rồi, nhưng cũng cần xem đến việc thực hiện quy hoạch thế nào. Nhiều địa phương đã làm quy hoạch nhưng quá trình thực hiện lại chưa tốt, chưa tôn trọng quy hoạch. Nếu làm tốt vấn đề quy hoạch sẽ tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ, câu chuyện muôn thủa cứ mưa là ngập như hiện nay. Trận mưa ngày 29/5 tại Hà Nội đã cho thấy một ví dụ điển hình về ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thành phố" - đại biểu Võ Mạnh Sơn nói.
Trước câu hỏi, Hà Nội có nên có dự án chống ngập giống TP.HCM không, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với Hà Nội trước tiên cần tăng cường công tác dự báo.
Bên cạnh đó, cần có các dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa. Đặc biệt cần nghiên cứu một cách kỹ càng cách tiếp cận khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.