dd/mm/yyyy

Giá phân bón, vật tư đầu vào làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Việc xuất khẩu nông sản phụ thuộc lớn vào một thị trường; giá vật tư đầu vào, phân bón tăng cao… không còn là vấn đề mới nhưng một lần nữa được các đại biểu Quốc hội nhắc lại bởi “cuộc sống của nông dân ảnh hưởng quá nặng nề”.

Không thể cứ mãi kêu gọi "giải cứu" cho nông dân

Từ đầu năm đến nay, nguồn cung các yếu tố đầu vào của sản xuất liên tục bị đứt gãy, giá cả tăng cao, sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản bị ứ đọng, có lúc hàng ngàn xe nông sản bị ách tắc tại các cửa khẩu, gây ra nhiều khó khăn, mất mát trong sản xuất và lưu thông.

Từ thực tế này, nhiều đại biểu nhấn mạnh, không thể kêu gọi giải cứu hàng hóa mãi mà phải có giải pháp từ việc quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới đến việc dự báo thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Giá phân bón, vật tư đầu vào làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định: việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: QH

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh): "Việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cử tri nhận định đây là một hạn chế lớn của sản xuất nông nghiệp nước ta, mặc dù những năm qua đã có khắc phục một phần, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu của thực tế.

Những hạn chế đó càng bộc lộ rõ nét khi thị trường thế giới đưa ra những yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm nhất là trong điều kiện dịch bệnh vừa qua và như hiện nay".

Trao đổi bên lề, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh: nếu chúng ta làm tốt công tác dự báo thị trường, có định hướng phát triển rõ ràng các ngành hàng, các mặt hàng theo từng thị trường tiềm năng… thì chắc chắn không còn cảnh "được mùa mất giá", "được giá mất mùa" và phải "giải cứu" nông sản cho nông dân.

Giá phân bón, vật tư đầu vào làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị, để kiềm chế giá phân bón tăng cao, cần thiết đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Tạo, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: "Giá cả vật tư đầu vào, giá phân bón cho sản xuất nông nghiệp ở mức cao so với bình quân hàng năm. Do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, giá xăng, dầu, các chuỗi giá trị nông sản còn bị hạn chế, chưa thực sự bền vững khiến việc tiêu thụ nguồn nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Một số thời điểm giá sản phẩm xuống thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tái đầu tư của nông dân."

Trước thực tế này, nhiều đại biểu đề nghị, để kiềm chế giá phân bón tăng cao, cần thiết đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Đồng thời thay đổi phương thức canh tác, hướng tới nông nghiệp xanh, an toàn, nhằm giảm chi phí đầu vào.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu):

Thời gian qua tôi rất ấn tượng với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp và tái cơ cấu đối với nền nông nghiệp. Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cho cả giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện còn chậm, còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Giá phân bón, vật tư đầu vào làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 3.

Đại biểu Hoa Ry cho rằng đầu tư vào nông nghiệp còn quá ít so với tiềm năng của ngành. Ảnh: QH

Nông dân nhiều nơi cũng đang loay hoay với vòng luẩn quẩn vì giá vật tư tăng cao và điệp khúc được mùa mất giá; lúng túng trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp thì lặp lại với điệp khúc: vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao; ngư dân khai thác thủy sản thì gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Ngư dân cũng như nông dân rất mong Chính phủ có những chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với xăng dầu cũng như vật tư đầu vào để yên tâm sản xuất.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao thì bày tỏ tâm tư khi nông dân miền Tây Nam Bộ nói riêng và nông dân nói chung khi nông nghiệp được coi là trụ đỡ, là điểm sáng của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nông nghiệp vẫn đạt được những thành tích bất ngờ và đáng tự hào nhưng nông dân vẫn gặp muôn vàn gian khó, và đặc biệt vẫn đang oằn mình trong bão giá.

Giá phân bón, vật tư đầu vào làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 4.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao thông tin phân bón đã tăng liên tiếp 4 lần, có loại tăng tới 250%. Ảnh: QH

"Giá thuốc thú y, giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc bảo vệ thực vật và nhất là giá phân bón đã tăng liên tiếp 4 lần, có loại tăng tới 250%, đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây (thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT). Trong khi đó giá nông sản thì ổn định vững bền theo thời gian, như vậy thử hỏi nông dân còn được gì?".

Theo thống kê, khảo sát hiện tại thì giá thành sản xuất của chúng ta đã tăng tới 40%/ha so với 2 năm trước đây. Điều đó nói lên rằng nếu chúng ta không quan tâm, không khắc phục sớm sẽ dẫn đến nghịch lý chính những người sản xuất ra lương thực để nuôi sống xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia lại lâm vào cảnh đói nghèo.

Rõ ràng, bài toán về giá không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng việc giải bài toán này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Người nông dân vẫn oằn mình, loay hoay trước "cơn bão giá".

Nguyễn Tố