dd/mm/yyyy

Cuống cuồng bỏ lợn nuôi gà

Do giá lợn giảm quá sâu, người nuôi chịu cảnh thua lỗ nặng, nhiều chủ trang trại ở các tỉnh miền Bắc như Ninh Bình, Hà Nội… mất hàng tỷ đồng, phải bỏ chuồng hoặc chuyển sang nuôi gà, vịt.

Do giá lợn giảm quá sâu khiến người chăn nuôi ở Hưng Yên chịu thua lỗ nặng nề. Ảnh Hải Đăng

Thua lỗ cả tỷ đồng

Qua khảo sát một số cơ sở chăn nuôi lợn tại miền Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, so với thời điểm giá lợn hơi giảm sâu nhất vào trước Tết Nguyên đán 2017, từ 20.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg thì đến nay giá lợn đã nhích lên khoảng từ 33.000 đồng/kg đến 39.000 đồng/kg, tùy các loại lợn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, dù giá lợn trên thị trường đã tăng lên nhưng người nuôi vẫn phải chịu lỗ trên dưới 8.000 đồng/kg lợn hơi.

“Bán lợn xong tiền không đủ trả nợ đại lý thức ăn, con giống thì lấy vốn đâu mà vào giống nữa, đành bỏ chuồng chờ cơ hội mới chuyển sang chăn nuôi gà, vịt thôi”.
Ông Phạm Văn Dũng.

Hơn chục năm nuôi lợn, chưa năm nào gia đình ông Phạm Văn Dũng ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lại chịu cảnh thua lỗ nặng như năm nay. Sau lần xuất chuồng trên 40 tấn lợn vào cuối năm 2016 vừa qua, tính toán lại, trại lợn của gia đình ông Dũng thua lỗ cả tỷ đồng. “Giá lợn giảm nhanh kỷ lục khiến người nuôi trở tay không kịp, bao nhiêu tiền của, công sức chăn nuôi đến giờ lại “trắng tay”, gia đình tôi đau xót vô cùng”, ông Dũng ngậm ngùi.

Từng là hộ nuôi lợn quy mô lớn, trong chuồng lúc nào cũng có hàng trăm lợn thương phẩm, thế mà chỉ sau lần thất bại này ông Dũng đã quyết định treo chuồng.

Phụ thuộc thương lái Trung Quốc

Nói về nguyên nhân khiến giá lợn giảm, ông Dũng cho rằng: “Giá lợn giảm là do cung vượt cầu từ việc tăng đàn ở rất nhiều các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vào một vài thời điểm trong năm, giá lợn hơi tại Hà Nội tăng rất cao, một số hộ chăn nuôi trúng giá, thế là người chăn nuôi nhỏ lẻ tự phát tăng đàn. Một yếu tố quan trọng hơn là do phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc.

“Hiện nay lợn hơi tại Việt Nam chỉ xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên rất bấp bênh. Thời gian tới, nếu thị trường Trung Quốc không mua nữa thì không biết bán ở đâu cho hết đàn lợn”, ông Dũng lo lắng.

Nuôi lợn thua lỗ nặng, nhiều chủ trang trại ở Vĩnh Phúc đã chuyển sang nuôi gà. Ảnh Hải Đăng

Không chỉ có người chăn nuôi mà ngay cả thương lái tại địa phương cũng lắc đầu với kiểu làm ăn của thương lái Trung Quốc. Bà Nguyễn Thu Phương ở Hưng Yên, một thương lái xuất lợn đi Trung Quốc cho hay: mấy đợt lấy hàng ở tỉnh xong mang đến cửa khẩu thì lợn rớt giá, khách không chịu nhận hàng đành phải bán lỗ. "Nhiều bà con gọi bắt lợn mà chúng tôi không dám nhận vì thị trường hiện nay bán rất chậm, chỉ nhỏ giọt. Mấy tuần gần đây phải tắt điện thoại vì bà con gọi nhiều quá", bà Phương chia sẻ.

Ông Trần Văn Hoan, một chủ trại lợn lớn nuôi trên 50 lợn nái và hàng trăm lợn thịt ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: Giá lợn hơi hiện nay đang đi ngược với quy luật mọi năm và có hiện tượng bị thương lái trong nước ghìm giá, thao túng. Bởi cùng thời điểm cuối năm với các năm trước, lợn hơi thật sự “sốt” giá vì đang bước vào giai đoạn các doanh nghiệp nhập thịt tươi về để chế biến, cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán và bên Trung Quốc cũng “ăn” hàng mạnh.

“Riêng trang trại của tôi cuối năm 2016 vừa qua xuất chuồng trên 500 lợn thương phẩm giá 37 (tức 37.000 đồng/kg lợn hơi), chịu thua lỗ gần 10.000 đồng/kg, giờ phải bán bớt nái và sắp tới chuyển sang nuôi con khác”, ông Hoan ngậm ngùi.

Bị ghìm giá

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Hà Nội là nơi có tổng đàn lợn lên đến trên 1,4 triệu con và đây cũng là địa phương thời gian qua đàn lợn tăng “nóng”, lên tới cả trăm ngàn con so với cùng kỳ năm 2015. Từ đầu năm 2016, tổng đàn lợn cả nước có 27 triệu con nhưng đến nay đã tăng lên trên 28 triệu con, hiện tượng tăng trưởng “nóng” diễn ra ở nhiều tỉnh, thành cả nước.

“Giá lợn “lao dốc” đã được Bộ NN&PTNT cảnh báo từ nhiều tháng trước. Nếu chúng ta cứ phát triển chăn nuôi lợn theo tư duy phong trào thì không thể phát triển được. Để giúp người chăn nuôi tiêu thụ được tốt sản phẩm thì các cơ quan chức năng phải cố gắng đàm phán và tìm thị trường mới để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết với nhau, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững”.
Ông Nguyễn Đăng Vang.

Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại nuôi lợn lên đến hàng nghìn con ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết: Hiện tại nhu cầu thu mua lợn xuất đi Trung Quốc tăng trở lại, nhưng họ vẫn “cố” ghìm giá thu mua thấp hơn so với giá thành sản xuất. Thế nên nghịch lý là, mặc dù thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn đang bình thường, giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng hầu như không biến động, nhưng giá lợn hơi ở các trại lại không tăng đáng kể, chỉ từ 34.000 đồng đến 39.000 đồng/kg, tùy vào từng loại lợn.

“Người chăn nuôi đang phải gồng mình chịu lỗ, bán lợn dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao mua thịt lợn, chỉ có các khâu trung gian như lò giết mổ, thương lái cấp 1, 2, 3 là hưởng lợi nhuận “dày”, ông Long khẳng định.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, tâm lý người nông dân đều dồn lực vào chăn nuôi gia súc để thu hoạch vào dịp cuối năm, chuẩn bị cho cái tết sung túc. Nhưng với tình trạng giá lợn giảm quá sâu như cuối năm 2016 vừa qua, mỗi một đầu lợn, người chăn nuôi đang chịu lỗ khoảng 1,5 triệu đồng, đã khiến cho hàng nghìn chủ trang trại lợn ở các địa phương mất Tết.

Lý giải về nguyên nhân khiến giá lợn giảm quá sâu, ông Vang cho rằng: Do lợn hơi xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, không có cam kết thỏa thuận giữa hai bên nên nhiều rủi ro. Tất cả đều phụ thuộc vào sự mở cửa của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, do năm nay người chăn nuôi tăng đàn lợn, tiêu thụ nội địa lại không có đột biến nên nguồn cung thừa, giá giảm.

Hải Đăng