dd/mm/yyyy

Cuối năm nay chỉ còn 15 loại thuốc kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi

Danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi từ 43 loại trước đây nay cắt giảm chỉ còn 15 loại và cũng chỉ được phép sử dụng đến ngày 31.12.2017. Theo lộ trình, từ năm 2020 trở đi, sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh, kể cả trong chữa bệnh và trong thức ăn chăn nuôi.

Việt Nam đang siết chặt quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Ảnh: minh họa

Năm 2018 cấm sử dụng thuốc kháng sinh

Tại Việt Nam, khảo sát mới đây của Cục Thú y đối với 208 trang trại chăn nuôi gia cầm ở Tiền Giang cho biết mức sử dụng kháng sinh đối với gia súc - gia cầm là rất cao. Cụ thể, lượng kháng sinh trên đầu gia cầm ở đây cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được ở một số nước châu Âu. Trong đó, 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có trộn sẵn thuốc kháng sinh cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong mỗi chu kỳ chăn nuôi, 72% số trang trại đều sử dụng ít nhất 1 loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh hoặc kích thích tăng trưởng. Trong ngành chăn nuôi lợn, kháng sinh cũng bị lạm dụng với con số 286,6 mg hoạt chất kháng sinh/kg lợn hơi.

Hôm thứ Tư (08.11), WHO đã đưa ra cảnh báo về tình trạng khoảng 80% thuốc kháng sinh đã được sử dụng tại các trang trại chăn nuôi trên thế giới. Thậm chí ở những quốc gia cấm sử dụng chất tăng trưởng, thuốc kháng sinh được sử dụng nhiều trên động vật hơn là ở người.

Mặc dù, WHO đề nghị nông dân ngừng sử dụng thuốc kháng sinh cho mục đích tăng trưởng nhanh và ngăn ngừa bệnh ở động vật nuôi, một thực tế là tình trạng này đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Á và Mỹ. Ngay cả châu Âu, nơi luật cấm đã ban hành, người ta nghi ngờ rằng vẫn có những vi phạm.

Đứng trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam sẽ chỉ cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đến hết năm 2017 và từ năm 2018 sẽ cấm sử dụng, chỉ cho phép sử dụng trong phòng và chữa bệnh.

Trung Quốc giảm nhập lợn hơi

Mới đây tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm” ông Trần Trí Công - Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết sắp tới hiệp hội và Sở Công thương tỉnh sẽ siết chặt quản lý kích hoạt và đeo vòng truy xuất trên gia súc, gia cầm.

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, thời gian qua nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã phải phá sản do các khó khăn và thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Những đơn vị yếu kém sẽ bị thị trường đào thải, vì vậy nếu muốn duy trì, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần phải thay đổi theo hướng sản xuất sạch và truy xuất được nguồn gốc.

Vụ tiêm thuốc an thần vào lợn đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa

Liên quan đến tình hình xuất khẩu lợn hơi, Bộ NN&PTNT cho biết tại Trung Quốc, cơ cấu ngành chăn nuôi lợn đã và đang bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của Chính phủ. Thực tế là từ cuối năm 2016 đến nay, đã có hàng loạt cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và những trang trại lớn ở nước này phải đóng cửa vì xả thải ra môi trường.

Mặc dù rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ tại Trung Quốc đã phải bỏ chuồng nhưng ngân hàng Rabobank vẫn giữ dự báo sản lượng thịt lợn năm 2017 của Trung Quốc tăng 2%. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ giảm nhập thịt lợn trong thời gian tới.

Bình Nguyên