dd/mm/yyyy

Còn rất nhiều dư địa để ngành tôm đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD

Ngành tôm còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh trong nhiều năm tới. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra, cần thay đổi tư duy… Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.

Ngành thủy sản tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đưa con tôm sớm chinh phục mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD vào năm 2025. Ảnh: IT

Để ngành tôm sớm chinh phục mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD vào năm 2025, thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng:

“Tổ chức lại sản xuất, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Tăng cường hợp tác và liên kết theo chuỗi, tập trung đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi thâm canh. Đồng thời nhanh chóng áp dụng, phổ biến rộng rãi mô hình nuôi tôm công nghệ mới”

Chưa có ngưỡng giới hạn đối với tôm

Với cách vượt qua khó khăn đầy ấn tượng trong năm 2016, ngành tôm đã rút ra được bài học gì để thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành trong năm 2017, thưa Thứ trưởng?

Năm 2016 là năm có rất nhiều khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng như hạn hán, xâm nhập mặn… tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn ngành nên chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Điều quan trọng rút ra không phải là thành công về sản lượng hay sản xuất, mà cái chính là rút kinh nghiệm từ chỉ đạo điều hành.

Ngành tôm còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển

Chúng ta đã biến những khó khăn thách thức thành những thuận lợi và biết phát huy những lợi thế của ngành thủy sản để vươn lên. Chúng ta đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản với tỷ lệ khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch.

Trong những năm tới, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tập trung khai thác những lợi thế của lĩnh vực nuôi trồng để phát triển mạnh hơn nữa. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cộng với việc chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, kiểm soát tốt con giống, áp dụng các quy trình, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tăng sản lượng. Tuy nhiên cần chủi động đề phòng tình trạng hạn mặn, xâm nhập mặn, kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như làm tốt mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại.

Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu cho ngành tôm là đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD/năm. Vậy ngành tôm còn dư địa để khai phá không, thưa Thứ trưởng?

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD về tôm vào năm 2025, ngành sẽ tập trung đột phá về khoa học công nghệ, đặc biệt là khâu giống cũng như chủ động về sản xuất thức ăn trong nước và kiểm soát tốt dịch bệnh tôm. Đồng thời chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và chủ động ứng phó với xu thế bảo hộ thị trường của các nước hiện nay, nhất là những rào cản về kỹ thuật.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam có vị thế đáng kể trong ngành tôm toàn cầu. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới, với sản lượng từ 600 nghìn đến 650 nghìn tấn một năm, dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300 nghìn tấn một năm và luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Tôm Việt Nam là một trong số không nhiều các mặt hàng đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Mỹ và thứ 4 trong khối Liên minh Châu Âu...

Con tôm là sản phẩm có giá trị cao, được ngành nông nghiệp lựa chọn là một trong các đối tượng chủ lực mang tính đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản và nông nghiệp nói chung. Hiện nay, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 7 tỉ người. Chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị rớt giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

Ngành tôm còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển mạnh trong nhiều năm tới. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra, cần thay đổi tư duy cũ theo cách phải có ngân sách đầu tư mới làm được, mà phải bằng tư duy trong điều kiện ngân sách hạn chế nhưng vẫn làm được. Ngay trong năm 2017 ngành thủy sản sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp trên cơ sở xây dựng Kế hoạch hành động và Đề án phát triển ngành công nghiệp tôm.

Chúng ta cần tập trung đột phá vào khoa học công nghệ để nâng năng suất của các diện tích thâm canh, nuôi công nghiệp. Hiện nay với 700.000ha tôm nước lợ, chúng ta mới chỉ có 95.000ha tôm công nghiệp, còn lại hơn 600.000ha là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến với năng suất đang rất thấp. Cần nâng năng suất bình quân từ 4 tấn/ha, lên 6 đến 8 tấn/ha đối với tôm thẻ cũng như đối với tôm nước lợ nuôi công nghiệp. Với diện tích tôm quảng canh, tôm lúa, tôm sinh thái, có thể nâng năng suất lên, ít nhất mỗi ha có thể tăng từ 300-500 kg.

Mấu chốt là nuôi tôm công nghệ cao

Những giải pháp cốt lõi nào mà ngành thủy sản cần tập trung để đạt được mục tiêu đưa ngành tôm sớm chinh phục mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD theo đúng lộ trình, thưa Thứ trưởng?

Điểm mấu chốt của vấn đề là ngành thủy sản phải tổ chức lại sản xuất, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch. Tăng cường hợp tác và liên kết trong sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình liên kết theo chuỗi. Về tôm giống, mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 180.000 - 260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (chiếm 90%). Để giải quyết khâu giống, chúng ta cần tập trung đầu tư nghiên cứu chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh cho vùng nuôi tôm thâm canh. Phấn đấu đến năm 2020 chủ động được trên 50% tôm bố mẹ sản xuất trong nước; đến năm 2025 chủ động sản xuất 100% tôm bố mẹ trong nước.

Cần quy hoạch và đầu tư công nghệ cao cho vùng nuôi tôm. Ảnh IT

Những mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới cần được nhanh chóng áp dụng, phổ biến rộng rãi. Ứng dụng các chế phẩm sinh học thay thế các loại hóa chất, thuốc kháng sinh và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để giảm giá thành sản xuất phải được ưu tiên.

Dù xuất khẩu tốt, nhưng nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn thực phẩm, đặc biệt đưa chất cấm, kháng sinh vào tôm vẫn là nỗi lo thường trực. Vậy ngành sẽ làm quyết liệt vấn đề này như thế nào?

Đúng vậy, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi, chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam... Các địa phương phải tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý việc bơm chích tạp chất vào tôm, dư lượng hóa chất, kháng sinh, có như vậy phát triển sản xuất mới đáp ứng yêu cầu và mở rộng được thị trường tiêu thụ, tăng giá trị con tôm và sản phẩm tôm Việt Nam.

Trong những năm gần đây Bộ NN&PTNT đã tập trung thanh kiểm tra và xử lý vi phạm hóa chất kháng sinh, lạm dụng thuốc, bơm chích tạp chất vào tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung. Năm nay Bộ NN&PTNT tiếp tục làm quyết liệt hơn để sớm xóa bỏ thực trạng này.

Xin cảm ơn ông!

Đình Thắng