Đông nhất vẫn là các ông các bà U60, U70 đi bộ từng nhóm hoặc đi lẻ. Nhóm thì phải “buôn dưa lê”, lẻ thì cắm cúi đi mỗi người một kiểu, người đánh giày Adidas hăm hở marathon, kẻ giày ba-ta truyền thống, vừa đi vừa ngẫm nghĩ chuyện mình chuyện người.
Một cụ ông khoảng chín mươi lăm tuổi rất cá biệt. Ông xuất hiện ở công viên tầm 6 giờ, tấm lưng rất thẳng, áo quần thể thao ngày nào cũng trang trọng như ngày nào. Nghiêm chỉnh giờ giấc như công chức thời cũ. Này nhá, áo pull màu trắng, quần lửng quá gối cũng trắng nốt. Ông đi dép kẹp chứ không đi giày, giày có vẻ “cưa sừng làm nghé” quá. Và ông có cây gậy bịt bạc, đầu gậy có ngù hình mỏ chim bìm bịp. Ông đi từ cầu thang bộ tầng ba của block nhà mình ra, nhẹ nhàng lướt qua mọi người, ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc và hôm nào trời đất xôn xao, ông còn đi xuyên qua cỏ công viên ra lan can bờ sông tắm nắng.
Ông cụ giống một sợi chỉ đỏ giữa đám người đủ lứa tuổi của công viên. Đám trẻ nít có ông chúng không dám hiếu động quá mức, ông ngồi đó trên ghế đá như ông bụt, trắng tóc, trắng lông mày, trắng quần và trắng áo, ánh nhìn dịu dàng. Những gã đàn ông trung niên hay khạc nhổ và chửi tục trong những câu chuyện thế sự có mặt ông họ nhẹ giọng hơn, ý tứ hơn kẻo “kém một ông cụ gần đất xa trời thì bọn mình kém quá!”. Những người phụ nữ trẻ dành cho nhau vẻ tươi tắn yêu đời như nói “sống được như ông cụ là mơ ước của biết bao nhiêu người”. Những phụ nữ nhiều tuổi xem ông như ánh bình minh bởi ông có mặt thì là trời đêm qua tạnh ráo hứa hẹn một ngày tưng bừng.
Tôi tầm tuổi con gái ông, một lần lân la hỏi chuyện. “Cụ đây rồi cụ bà đâu?” Trả lời “Bà nhà tôi mất năm năm rồi!”. “Trước kia cụ sống ở đâu, cụ mới về đây?” “Tôi sống ở bên chợ, vợ chết rồi con gái đưa về đây ở với nó”. “Tốt quá. Cụ có bệnh mãn tính nào không?” Lắc đầu như nói: “Nhìn thì biết, còn hỏi!” Muốn hỏi nữa nhưng ông đã nặng tai và trả lời to, ông mau mệt. Tôi thú vị đoán, ông gốc cố đô Huế, thời thuộc Pháp hẳn ông là chàng trai công chức, sau đó thì cuộc sống đô thị ngấm vào thêm. Vì vậy mà ông rất chuẩn: minh mẫn, chừng mực và ráo rảnh.
Tôi luôn đứng ở cái góc bên hàng rào sau khi đi bộ một mình năm vòng quanh công viên. Ông cụ từ khu dân cư đi ra, lập tức gởi ánh mắt chào buổi sáng cho tôi, nếu tôi đứng khuất đi thì ánh mắt ông rõ ràng là đang tìm kiếm. Thế nào tôi cũng bước ra chỗ trống nhất để gập mình chào sâu theo kiểu Nhật Bản “Con chào cụ”. Ông không thể nghe nhưng biết đó là câu chào dành cho ông, cách chào của tôi dành cho ông và ông gục gặc cười tươi, nét cười này là thưởng cho tôi. Ông vui và tôi thấy quá vui, cuộc đời này, con người này, nụ cười này, ông là điểm tựa của một ngày để những người như tôi hăm hở một ngày và cứ thế.
Ông cụ cao vượt lên, sum suê và bao dung, ông chính là cổ thụ cho cuộc đời ngẫm ra vẫn rất đáng sống này. Tôi nhanh nhẹn hơn, khỏe mạnh hơn, một phần là để thức dậy đúng giờ, để ở cái góc của mình mỗi sáng được cúi gập mình thật sâu và thấy ấm lòng quá đỗi với món quà sáng kỳ diệu ấy./.