“Mất bò mới lo làm chuồng”
Theo báo cáo của Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hải Dương), hàng năm toàn tỉnh trồng khoảng 2.000ha cà rốt vụ đông, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Cẩm Giàng (600ha) và Nam Sách (hơn 500ha). Đây là những vùng có diện tích đất bãi nằm ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, rất thích hợp cho cây cà rốt phát triển.
Người dân xã Thái Tân (Nam Sách, Hải Dương) thu hoạch cà rốt vụ đông. Ảnh: V.T
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là vụ đông năm 2014, 2015 người dân trồng cà rốt ở 2 huyện liên tiếp nếm “quả đắng” khi giá cà rốt tụt thê thảm, từ 10.000 đồng/kg, xuống còn 500 – 1.000 đồng/kg. Do giá quá rẻ nên nhiều hộ thua lỗ hàng trăm triệu đồng, cà rốt quá lứa phải nhổ cho trâu, bò ăn. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn trồng theo kiểu tự phát, chưa có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Thời điểm đó, việc làm thế nào để người dân bớt gánh nặng “được mùa mất giá” là câu chuyện luôn nóng hổi đối với ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương.
Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, cùng với cà rốt, hành, tỏi, rau ăn lá cũng là thế mạnh của tỉnh trong vụ đông xuân. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu, Sở đã chỉ đạo cho các địa phương một mặt quy hoạch lại vùng sản xuất, chỉ trồng ở những nơi thuận lợi, một mặt đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp có tiềm năng đưa nông sản xuất khẩu, nhằm tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Sách thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cà rốt đổ bỏ cho bò ăn trước đây một phần là do huyện không kiểm soát được diện tích, chưa chủ động đứng ra làm đầu mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp. Để tình trạng trên không lặp lại, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ doanh nghiệp chuyên đưa cà rốt xuất khẩu đi Trung Quốc cho biết, nguyên nhân khiến giá cà rốt và một số loại nông sản khác luôn bấp bênh là do phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. “Hễ thị trường này dừng mua là giá tụt ngay. Hơn nữa, cà rốt thường thu hoạch trong thời gian ngắn, nếu để lâu củ sẽ sượng, quá cỡ, chất lượng kém dẫn tới giá hạ. Hiện tôi đã đầu tư một kho lạnh để dự trữ cà rốt, nhưng kinh phí và chi phí duy trì cũng rất lớn, nếu được Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi rất mừng”.
Nông dân vẫn lo ngay ngáy
Có mặt tại hai “vựa” cà rốt là xã Đức Chính (Cẩm Giàng) và xã Thái Tân (Nam Sách), bà con cho biết, đồng đất ở đây rất phù hợp với cây cà rốt. Cà rốt của nông dân Đức Chính, Thái Tân làm ra củ to, tròn đều, da nhẵn, màu đỏ đẹp, ăn ngon nên được thương lái rất ưa chuộng. Nhờ trồng cà rốt, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Hoàng Văn Tuyên
Ông Trần Quốc Bính – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân cho biết, hiện xã có gần 100ha cà rốt, năng suất khoảng 50 – 60 tấn/ha, nếu cà rốt đạt giá trung bình từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi ha người dân lãi khoảng 100 triệu đồng.
Anh Hoàng Viết Huynh (thôn Đình, xã Thái Tân) cho biết, hiện anh trồng 30 sào cà rốt, trung bình mỗi sào đầu tư tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống hết hơn 3,2 triệu đồng, nếu năng suất đạt 1 – 1,2 tấn loại 1 và 1,5 tấn loại 2, giá bán khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg thì người dân sẽ có lãi. Nhưng năng suất giảm, giá tụt thì sẽ hết lãi, thậm chí lỗ vốn. “Năm nay tôi đã liên kết với công ty để sản xuất và bao tiêu đầu ra. Nhưng điều khoản của họ rất ngặt nghèo, họ đòi hỏi củ phải đều, màu sáng nên rất khó làm. Nói là liên kết, nhưng nếu tắc đầu ra, họ vẫn “om” hàng của mình tại chỗ không thèm thu hoạch” – anh Huynh tâm sự.
Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết, vụ đông 2016-2017, toàn xã gieo trồng khoảng 250ha cà rốt. Để bảo đảm năng suất và đầu ra, HTX đã khuyến cáo nông dân tập trung xuống đồng gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất.
Ông Hoàng Văn Tuyên (xã Đức Chính) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 10 sào cà rốt, sản lượng khoảng 20 tấn củ. Năm nay thương lái đến tận ruộng mua, trừ chi phí mỗi sào còn lãi 5 triệu đồng. Mặc dù năm nay gia đình có liên kết với HTX và HTX cũng đã ký hợp đồng với đơn vị tiêu thụ, nhưng giá bán vẫn không được như kỳ vọng, tiêu thụ rất chậm”.