Mồng tơi là loại rau ăn lá, được sử dụng nhiều trong bữa cơm gia đình với nhiều món ngon mỗi ngày như xào, luộc, nấu canh,... Mồng tơi dễ chăm, dễ sống, có thể trồng bằng nhiều cách và thích hợp nhất với khí hậu mùa hè.
Cũng giống như trồng rau muống cạn, mồng tơi không chỉ là loại rau dễ chăm, dễ sống, mà còn nhanh cho thu hoạch và ít phải lo lắng sâu bệnh hại. Tuy nhiên, trong điều kiện nhà phố chật hẹp, nếu chỉ muốn trồng vài chậu rau mồng tơi cho mát mắt, bạn cũng cần tuân thủ kỹ thuật chăm sóc để có đủ rau ăn suốt hè này.
Clip 1: Mô hình trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng - dành cho vườn rau mồng tơi (Clip: Nguyễn Thắng):
Để có rau mồng tơi trồng trong chậu xanh tốt và sạch, an toàn thực phẩm cho bữa ăn gia đình, TTV xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc như sau:
Chuẩn bị đất/giá thể, khay/chậu để trồng rau
Cũng như trồng rau muống, trước tiên, bạn cần chuẩn bị đất/giá thể, khay/chậu để trồng. Lưu ý, chọn khay hoặc chậu trồng rau mồng tơi cần đủ lớn, phù hợp với diện tích sân thượng ngôi nhà.
Chậu tối thiểu đường kính 35cm, rộng miệng để giúp cho rau có đủ chất dinh dưỡng và hấp thu tốt nhất với ánh sáng, đáy chậu sâu khoảng 12-15cm tùy kích thước.
Đối với đất trồng, mồng tơi thích hợp nhất với loại đất pha cát, đất thịt; lưu ý cần giữ cho đất luôn tơi xốp, không để rau bị úng nước trong chậu. Khâu chuẩn bị đất bao gồm: Phơi ải khoảng vài nắng để làm sạch đất; trộn mùn đất với một lượng nhỏ phân hữu cơ, phân vi sinh. Nếu trồng bằng xơ dừa và đất dinh dưỡng bán sẵn, người trồng nên cho hỗn hợp này vào khay/chậu/thùng xốp với tỷ lệ 1/1, cho vừa đầy mặt khay.
Trồng rau mồng tơi bằng gieo hạt
Trước khi gieo cần ngâm hạt giống trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi, 3 lạnh); thời gian ngâm khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ. Kế đến, vớt và hạt ra, ủ khăn giấy (cho thấm nước, để hạt giống ráo nước) từ 6 giờ - 10 giờ.
Đổ đất vào chậu một lớp dày khoảng 8cm rồi gieo hạt lên trên. Khi gieo, rải mỗi hạt cách nhau ít nhất là 10 cm tùy theo kích cỡ khay/chậu. Sau khi gieo xong, phủ lên hạt một lớp đất mỏng khoảng 0.5cm; dùng bình phun nước tưới nhẹ để giữ ẩm cho đất trồng. Để khay/chậu đã gieo hạt trong mát, đủ sáng và hạt sẽ nảy mầm sau 5-7 ngày chăm sóc.
Bạn cũng có thể trồng từ cây giống có bán sẵn trên thị trường. Khi trồng, tùy kích cỡ chậu để tạo khoảng cách phù hợp, tốt nhất cây cách cây khoảng 10 - 15cm, đủ để lá hấp thụ ánh sáng, xòe to, rộng tán, thân cao mập.
Clip 2: Rau mồng tơi trồng trong thùng xốp trên sân thượng sẽ chế biến được nhiều món ngon mỗi ngày, phục vụ cho bữa ăn gia đình và tại các nhà hàng (Clip: Huyền Phương):
Kỹ thuật chăm sóc
Khi hạt nảy mầm thành cây non, được 2 - 3 cặp lá là có thể đem khay ra ngoài nắng; xới nhẹ đất để đảm bảo độ tơi xốp cho cây phát triển thân và rễ. Vào mùa mưa, cây chỉ cần được tưới nước vừa đủ, mùa nắng nóng hanh khô nên tưới ngày hai lần vào buổi sáng sớm và chiều mát.
Khi cây đã phát triển, thân mập, lá to xanh tốt, cần chú ý đề phòng sâu ăn lá (thường gọi là sâu rau vì chúng có màu xanh), có thể quan sát vào buổi sáng và bắt trực tiếp bằng que, panh... Sau lứa thu hái rau đầu tiên, cần bón phân bổ sung cho rau (Có thể dùng phân đã ủ mục sẵn như phân chim,... hoặc dùng phân NPK để giúp cây phát triển lá).
Ngoài phương pháp trồng trong chậu ăn thân ngọn và lá, nhiều gia đình còn trồng mồng tơi leo giàn để vừa tạo không gian bóng mát, vừa có rau ăn lá. Với cách trồng này, bạn cần bố trí không gian phù hợp và bắc giàn cho cây leo.
Như vậy, mồng tơi là loại cây thật dễ trồng và dễ chăm sóc. Với kỹ thuật trồng và chăm sóc như trên, chắc chắn chỉ sau khoảng hơn 15 ngày, với vài cái chậu để trồng, rau mồng tơi sẽ xuất hiện trong thực đơn món ngon mỗi ngày với bữa cơm gia đình đầm ấm yêu thương. Bát canh cua nấu rau mồng tơi ngọt mát, đĩa rau mồng tơi xào không chỉ có trên mâm cơm ngày hè, mà còn là món ngon trong thực đơn ở các nhà hàng đấy nhé.
Chúc các bạn thành công với cách trồng rau mồng tơi trên sân thượng như trên!
XEM THÊM >> Cách trồng rau muống xanh non trong thùng xốp trên sân thượng