Thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là nơi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra đầu tiên của TP.Hà Nội và cũng là ổ dịch thứ 8 của cả nước được phát hiện đến thời điểm này.
Clip: Chương Mỹ lập chốt kiểm dịch tại ổ dịch cúm A/H5N6.
Phú Vinh nổi tiếng với làng nghề truyền thống mây tre đan với lịch sử phát triển nghề hơn 400 năm nay. Những năm gần đây, thôn thường xuyên trở thành “ổ dịch” về gia súc và gia cầm của TP.Hà Nội, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và dịch cúm gia cầm trên vịt, ngan.
Sống chung với dịch
Nằm cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 25km về phía Tây, từ QL6 hướng Hà Nội - Hòa Bình rẽ phải, để đi vào thôn, chúng tôi được chỉ đường đi qua một bãi rác “khổng lồ” lộ thiên cách quốc lộ chỉ khoảng 100m, rác ngồn ngột, cao ngất ngưởng, tràn ra đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, xung quanh là cánh đồng, nghĩa địa và bãi chăn thả vịt của hộ dân.
Men theo con đường nhầy nhụa nước, với những “ổ gà”, “ổ vịt” chúng tôi đến ngã 3 sát chợ, đập vào mắt chúng tôi là cảnh người dân buôn bán vịt sống, vịt chín ngay trong và ngoài không gian của chợ. “Vịt này có bị dịch đâu, vịt bị dịch đem đi thiêu hủy hết rồi” - một người phụ nữ chạc tuổi 40 nói rồi tất tả “gom” hết số vịt đang bày bán cho khách “giấu” đi nơi khác bởi vừa có người thông báo có đoàn kiểm tra dịch của Trung ương và Huyện về.
Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ xác nhận với chúng tôi ngay sau đó: “Từ khi phát hiện ổ dịch từ ngày 3/2 đến nay chính quyền tổ chức khoanh vùng, làm công tác phòng chống, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đã có gần 7.000 con vịt, ngan mắc bệnh bị tiêu hủy, số vịt, ngan và gia súc trên toàn huyện chưa mắc bệnh được tiêm thuốc kháng bệnh,…, hàng ngày cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y phun thuốc khử trùng quanh khu vực phát dịch một lần, đồng thời lập chốt kiểm soát dịch ở đầu thôn. Đặc biệt, UBND huyện thông báo yêu cầu người dân không buôn bán gia cầm ở các chợ cũng như thu gom buôn bán vịt trong địa bàn đi các nơi khác nhằm tránh trường hợp xấu xảy ra”.
Tại đầu đường dẫn vào xóm Đồng Chan, thôn Phú Vinh - khu vực phát hiện ổ dịch, cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ đã lập barie “chốt kiểm dịch” với lực lượng nòng cốt là công an xã, cán bộ Trạm chăn nuôi thú y, dân quân tự vệ,… người đứng kéo barie, người phun thuốc khử trùng phương tiện trong thôn đi ra, người rắc vôi bột, người ghi sổ sách các phương tiện ra - vào. “Chúng tôi phải túc trực tại chốt kiểm dịch này 24/24h, mỗi ngày có 3 kíp trực thay đổi nhau, chủ yếu là lực lượng công an và thú y để đảm bảo công tác phòng chống dịch không lây lan ra diện rộng và đảm bảo sức khỏe cho người dân” – một công an viên chia sẻ.
Để đi vào khu vực ổ dịch, chúng tôi được “đặc cách” phát cho bộ đồ phòng chống dịch gồm quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế,... Con đường bê tông vào xóm Đồng Chan đã xuống cấp gồ ghề, vẫn còn nguyên dấu bùn lằn vết bánh xe qua lại do mấy ngày trước có mưa. Cả con đường dài được rắc trắng xóa vôi bột, mùi thuốc khử trùng váng vất.
Trời về chiều, đàn trâu được các cậu bé dong về chuồng, tiếng nhạc sập sình từ rạp đám cưới của một gia đình trong thôn phát ra hòa với tiếng người ồn ã, dưới cánh đồng các cô, các bác vẫn lội bùn be bờ chuẩn bị đất cấy lúa vụ chiêm. “Nghe tin thôn phát ổ dịch chúng tôi cũng lo lắm, biết rằng dịch bệnh có thể lây sang người nhưng người nhà quê vẫn phải cày cấy… dịch phát chủ yếu ở trang trại chăn nuôi lớn, những hộ nuôi nhỏ như chúng tôi tạm kiểm soát được, chính quyền cũng vào cuộc rất rốt ráo nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào” – bà Đỗ Thị Hạnh (63 tuổi, thôn Phú Vinh) nói vọng từ ruộng lên.
Con đường vào “tâm dịch” khá ảm đạm, một bên là đồng lúa, một bên là mương nước ăm ắp, xung quanh là cánh đồng mênh mông và trắng xóa vôi bột ở ven bờ... Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp người có người dân đi lại, người đeo khẩu trang, người không, họ đều không mặc quần áo bảo hộ vừa đi vừa nói chuyện, thậm chí có những người đang chạy thể dục trên đường.
Anh Ngô Văn Khải (44 tuổi) cùng cậu con trai (8 tuổi) đang chậm rãi rắc vôi bột xung quanh khu chuồng trại, và từ sát tường nhà ra đến đường thôn. Anh cho biết, từ hôm dịch bùng phát ở thôn đến nay, chính quyền đã khoanh vùng, gia đình anh phải quây lưới để “cách ly” 3.000 con vịt phòng tránh dịch bệnh. “Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, tôi và nhiều hộ dân nuôi vịt lớn trên địa bàn rất lo lắng, song nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, hiện đàn vịt của gia đình đã được Trạm Chăn nuôi -Thú y huyện, xã tiêm thuốc phòng chống nâng cao sức đề kháng, đồng thời mỗi ngày cán bộ thú y đều đến phun thuốc khử trùng nên cũng đỡ lo lắng phần nào” – anh Khải nói.
Theo anh Khải, trước đây nhiều lứa gia súc, gia cầm của gia đình anh và các hộ xung quanh cũng từng bị bệnh như long móng, lở mồm, dịch tả, cúm A…nên ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của gia đình. Anh bảo: “Nếu bình thường không dịch bệnh, trung bình mỗi năm với khoảng 2.000 con vịt gia đình tôi cũng thu được 50-60 triệu đồngtiền lãi, nhưng với tình hình dịch bệnh và giá vịt đang xuống mạnh như hiện nay thì lỗ khoảng 70-80 triệu đồng”. Cho nên hiện nay gia đình anh chỉ mong dịch bệnh không lây lan sang đàn gia vịt nhà mình và mong muốn khi dịch qua đi, giá vịt tăng lên gia đình anh bán được lứa này thì “may ra hòa vốn, không thì lỗ cả trăm triệu”.
Cấp khẩn 450.000 liều vaccine
Ông Trần Bá Vệ - Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa thông tin rõ hơn với chúng tôi rằng: Từ ngày 3/2, chính quyền địa phương đã phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, ngay lập tức tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và phát hiện đàn gia cầm dương tính với cúm A/H5N6.
Cụ thể, ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 được phát hiện đầu tiên tại đàn vịt thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh. Đến ngày 8/2, tại thôn tiếp tục phát sinh 2 hộ chăn nuôi ngan thương phẩm có ngan ốm chết của hộ ông Ngô Văn Bình và hộ ông Ngô Văn Hùng. Ngày 9/2, đàn vịt thương phẩm 2.660 con của hộ ông Nguyễn Văn Chung cũng có biểu hiện ốm, chết. Sau khi nhận được thông tin, ngay lập tức, cơ quan Thú y phối hợp với chính quyền địa phương đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của 3 hộ trên.
Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, hiện nay, tổng đàn gia cầm nuôi toàn xã có trên 294.900 con, trong đó gia cầm sinh sản trên 107.500 con, gia cầm thương phẩm có trên 187.300 con. Tại thôn Phú Vinh (thôn có dịch) có trên 71.600 con, trong đó gia cầm sinh sản là 2.656 con, gia cầm thương phẩm là 69.028 con.
“Để khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đặc biệt là lây sang người, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cho tiêu hủy 6.807 con gia cầm theo đúng quy định, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngay tại thôn Phú Vinh và cho rắc vôi phun phòng dịch tiêu độc khử trùng, cũng như tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng chống dịch bệnh đúng cách…” – Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa nhấn mạnh.
Clip: Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nói về tình hình dịch cúm A/H5N6 trên địa bàn.
Nói về công tác hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung vào phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng. “Việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân sẽ được thực hiện theo quy định của Nhà nước”.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút. Để ngăn chặn ổ dịch cúm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ 450.000 liều vaccine để tiêm phòng bao vây các đàn xung quanh và tiến hành tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay.
Trên địa bàn TP hiện có trên 31 triệu con gia cầm của trên 119.000 hộ, cơ sở chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã triển khai tới các quận, huyện thị xã ra quân tiêu độc khử trùng toàn TP, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi với thời tiết cực đoan, lạnh, mưa phùn ẩm ướt kéo dài là điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại nên nguy cơ bùng phát bệnh cúm gia cầm H5N6 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Hiện, đơn vị duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và ATTP cũng như hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra, vào TP.
Đảm bảo dịch không bùng phát diện rộng
Trao đổi với chúng tôi ngay tại “tâm dịch” của Hà Nội trong quá trình đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H5N6 tại địa phương, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, cả nước đã phát hiện 8 ổ dịch gia cầm có vi rút cúm A/H5N6 ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ninh với tổng số trên 31.000 gia cầm đã bị tiêu hủy.
Nhìn nhận về dịch bệnh, ông Đông cho rằng, những năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2019 đến nay, với việc buôn bán, vận chuyển chăn nuôi gia cầm ngày càng gia tăng để bù đắp vào phần thịt lợn thiếu hụt, kéo theo đó nguy cơ của dịch bệnh càng cao, cộng với sự bất lợi của thời tiết mưa ẩm, rét, mầm bệnh đang lưu hành ở nhiều địa phương là nguyên nhân dẫn đến dịch.
Tuy nhiên, ông cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành trong cả nước, công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh đang được triển khai hết sức quyết liệt. Bộ NN-PTNT, Chi cục Thú y đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chống dịch ở các địa phương đã và đang xảy ra dịch, địa phương có nguy cơ xảy ra dịch cao nhằm kiểm soát tốt nhất dịch cúm gia cầm, nhằm đảm bảo không lây lan ra diện rộng.
“Hiện nay việc phát triển chăn nuôi gia cầm của các hộ chăn nuôi càng ngày càng nhiều hơn để thay thế chăn nuôi lợn do dịch tả lợn Châu Phi - một dịch bệnh rất nguy hiểm, chưa có vacxin, thuốc điều trị, cho nên các hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia cầm nhiều để tận dụng điều kiện cơ sở vật chất để phát triển kinh tế gia đình, nên với việc tổng đàn gia cầm đã tăng lên với trên 470 triệu con thì kéo theo nguy cơ dịch bệnh gia tăng, vì vậy công tác tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở chăn nuôi, cộng đồng khu dân cư phải tổ chức tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm để có miễn dịch phòng chống bệnh” – Cục trưởng Cục Thú y lưu ý.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút...
Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, TP, buộc phải tiêu hủy trên 133.000 con gia cầm. Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước có 4 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh; Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội. |