Trang trại nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Quyên được đầu tư khép kín
Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quyên ở thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết: Ngày mới ra đây mảnh đất này còn là thùng vũng hoang hoá, không thể trồng cây cho thu hoạch, chị đã phải vay mượn hơn 1 tỉ đồng làm chuồng nuôi lợn, thuê máy xúc đào ao nuôi cá và mua đất phù sa ở sông về cải tạo ruộng vườn. Chồng chị hàng ngày làm công nhân bên Hà Nội, mọi việc quán xuyến điều hành trang trại đều do tay chị lo toan.
Kết quả, sau 5 năm cần mẫn với ruộng đồng, chị Quyên đã có được trang trại VAC rộng 8ha, bao gồm 2,5ha ao chuyên cá, 5ha trồng cây ăn quả và 0,15ha chuồng trại, thường xuyên nuôi trên 1.000 con lợn thịt.
Hiện trang trại đã bắt đầu sản xuất, kinh doanh có lãi. Doanh thu năm 2016 đạt hơn 7 tỉ đồng, lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng. Dự kiến năm 2017 này doanh thu sẽ đạt 9 - 10 tỉ đồng, lợi nhuận 700 - 800 triệu đồng.
Sở dĩ lợi nhuận làm VAC của trang trại còn khá thấp, là do chị Quyên đang phải bù lỗ cho đàn lợn nuôi công nghiệp.
Dù chăn nuôi lợn lỗ lớn kéo dài như vậy, nhưng chị Quyên chưa bao giờ điều chỉnh giảm số lượng đàn, vì chị đã tham gia nuôi lợn theo chuỗi nông sản sạch với Nhà máy chế biến Thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội).
"Để giữ chữ tín với khách hàng thì mình phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu, rồi tìm nguồn thu khác để bù đắp", chị Quyên đã cho biết như vậy.
Đi tham quan khắp các trại nuôi lợn của gia đình chị Quyên chúng tôi thấy: Toàn bộ quá trình chăn nuôi đều thực hiện khép kín. Có hầm biogas xử lý chất thải. Có hệ thống làm mát và thông khí chuồng nuôi tự động. Người lạ không được ra vào khu vực chăn nuôi lợn. Khẩu phần ăn cho lợn được tính toán phù hợp với trọng lượng lợn từng thời điểm...
Nhờ cách chăn nuôi này mà từ nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình chị Quyên không bị thất thoát bởi dịch bệnh.
"Là một phụ nữ nông thôn, nhưng chị Nguyễn Thị Quyên đã biết gắn kết chăn nuôi lợn theo chuỗi nông sản sạch, và chấp nhận bù lỗ để đảm bảo đủ số lượng sản phẩm theo hợp đồng với đối tác bao tiêu ổn định. Đây là cách tư duy của những người sản xuất lớn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Những mô hình như vậy được cấp uỷ và chính quyền huyện quan tâm khuyến khích"
Ông Lê Văn Quảng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Thành.
Không chỉ chăn nuôi lợn theo chuỗi nông sản sạch, các loại rau quả gieo trồng từ trang trại gia đình chị Quyên cũng có thể coi là sạch. Do hầu hết các cây trồng này đều chăm bón chủ yếu bằng bã thải hầm khí biogas và bùn vét vệ sinh đáy ao hàng năm.
Theo chị Quyên, nhờ có các nguồn phân phong phú này, gia đình chị đã giảm được 60 - 70% nhu cầu đạm, lân, kali bón cho rau quả trong trang trại, sản phẩm luôn được thương lái và người tiêu dùng đặt mua trước, với giá cao hơn giá thị trường 10%.
Đáng chú ý, trang trại của chị Quyên còn là một trong số rất ít cơ sở trồng thành công cây măng tây ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện trang trại có gần 0,4ha măng tây ở thời kỳ thu hoạch. Trung bình mỗi ngày cung ứng cho các hàng ăn đặc sản 20kg măng tây các loại, trị giá trên 2 triệu đồng.
Qua tìm hiểu chúng tôi biết, ngoài phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, chị Quyên còn giúp cho 7 - 8 lao động nông nhàn trong xã có việc làm thường xuyên tại trang trại của chị, với mức thù lao trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.