Mùa con nước vơi, bến phà Châu Giang vẫn tất bật đưa người qua sông Hậu, trên bậu cửa nhà sàn em gái Chăm vẫn miệt mài bên khung cửi, làng bè đầu nguồn vẫn dập dềnh nổi trôi lênh đênh cùng sóng nước trên dòng sông quê.
Người ta thường ghé thăm Châu Đốc mùa nước lớn để đắm mình trong những cảnh sắc tươi đẹp và tận hưởng những sản vật trù phú mà thiên nhiên ban tặng khi lũ tràn về. Nước lên theo sóng lao xao đưa tôm cá đầy khoang, cho bông điên điển vàng thắm mênh mông con nước, bông súng ươm đọt nảy mầm... Nhưng mùa nước đầy rồi mùa nước lại vơi, lũ tràn về rồi lũ lại đi ra biển lớn. Mùa nào cũng vậy, người miền Tây vẫn luôn chịu thương, chịu khó như bản chất của người sông nước vùng quê.
Sông nước muôn đời vẫn là hơi thở, là sức sống của cả miền đồng bằng xanh thẳm, nhưng nhịp đời đã không bấp bênh nhiều theo con nước, cuộc sống đã ổn định hơn bởi dòng mưu sinh rộng mở và sự linh hoạt của con người.
Trên Cồn Tiên, tiếng kẽo kẹt của khung cửi chưa một ngày ngơi nghỉ, những tấm thảm sặc sỡ hoa văn lặng lẽ được dệt lên làm đẹp cho đời. Em gái nhỏ xinh duyên dáng trong trang phục Xa – rông, e thẹn trong khăn choàng thả lơi và bàn tay thoăt thoắt se sợi trong ánh mắt thán phục của khách phương xa.
Làng bè đầu nguồn dòng sông Hậu kết lại thành "xóm trên sông", nơi cư ngụ của những phận người nổi trôi bên đời cá, nửa thế kỷ dập dềnh cùng sóng nước giờ đây không chỉ còn quẩn quanh với cá, mà cũng tất bật khua chèo đưa khách du lịch giới thiệu về mảnh đất này, rồi bận bịu sở xoay nghề làm mắm... Cuộc sống vì thế mà bớt lênh đênh hơn.
Xe lôi niềm hoài cổ của phương Nam những thập niên 80, tưởng chừng chỉ còn trong ký ức, nhưng về Châu Đốc hôm nay vẫn ngược xuôi đón đưa khách trên mọi nẻo phố phường. Bóng dáng những người đàn ông cần mẫn trên sông nước, tay quăng chài, chân khua chèo lênh đênh suốt mùa dài.
Nước đi rồi, bàn chân không nhàn rỗi, lại lên bờ tất tả với chiếc xe lôi dẫn khách trên mọi nẻo đường. Dẫu đôi chân mỏi, dẫu giọt mồ hôi rơi, nhưng trên mỗi khuôn mặt đen sạm nắng gió mưa trời thì nụ cười hào sảng vẫn thường trực. Đôi chân rong ruổi từ Miếu bà chúa Xứ, đến núi Cấm, ghé rừng tràm Trà Sư hay cửa khẩu Tịnh Biên... mỗi điểm là một câu chuyện riêng mà họ tự hào thuộc nó như bài học thủa vỡ long. Họ vừa là tài xế, vừa là hướng dẫn viên của mảnh đất này.
Có lẽ chẳng nơi nào cảm nhận nhịp sống rõ nét của mảnh đất Châu Đốc bằng việc ghé thăm chợ. Đây là "vương quốc mắm" với đặc sản nổi tiếng: Mắm cá linh, mắm sặc, mắm ba khía... Dẫu mùa nước cạn, chợ Châu Đốc vẫn tấp nập người bán, kẻ mua, sản vật thiên nhiên ban tặng mùa lũ được người dân lưu giữ qua việc làm mắm. Khách du lịch ai cũng mang về ít nhất một loại mắm làm quà.
Lối vào của chợ là một góc khác trong bức tranh tổng thể về nhịp sống của người Châu Đốc hôm nay. Những mặt hàng thổ cẩm, đồ mỹ nghệ tinh xảo đẹp mắt từ các làng Chàm được người dân chào hàng đến du khách.
Thiên nhiên mùa này đã khắc nghiệt hơn, không phải mùa lũ nên nước không tràn trề, tôm cá vơi, phù sa không còn đỏ nặng. Lẽ thường sức sống cả vùng sẽ "lở bồi" cùng mùa nước, nhưng đất và người Châu Đốc đã vượt lên trước thách thức của thiên nhiên, cần mẫn sở xoay mưu sinh với nghề dệt, với mỹ nghệ, với du lịch... Muôn thủa sông nước vẫn là một phần của vùng đất phương Nam, nhưng phận người sẽ không còn lao đao như xưa nữa.