Với quyết tâm học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Mạnh Hà (SN 1983, ở thôn 1, xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà) đã từng bước làm giàu với mô hình chăn nuôi gia cầm, trồng rừng. Anh cũng là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
Sau khi đã trải qua nhiều nghề như xây dựng, mộc… nhưng không hiệu quả, năm 2014 vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hà chuyển hướng phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm hơn 500 con gà ri. Ngay lứa đầu tiên, đàn gà phát triển tốt, trừ chi phí gia đình có lãi trên 20 triệu đồng.
Hiện nay, trong trang trại của anh mỗi năm nuôi 4 lứa gà, ngan, bình quân 1.000 - 2.000 con gà/lứa; 500-1.000 con ngan/lứa và hàng chục con lợn nái mỗi năm. Trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.
Cùng với việc đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi gia cầm, anh Hà còn cung ứng gà giống cho các hộ gia đình chăn nuôi khác tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ.
Anh Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: Những ngày đầu, do chưa có kỹ thuật chăn nuôi nên tôi phải tìm đủ mọi cách học hỏi phòng bệnh cho gà. Sau hơn 3 năm xây dựng mô hình, giờ tôi đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số nhà hàng, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện và TP.Móng Cái.
“Năm 2016, trang trại của gia đình đã bán được hơn 10 tấn gà thịt và hàng nghìn gà giống. Bên cạnh việc đầu tư trang trại chăn nuôi gia cầm, gia đình tôi còn đầu tư trồng rừng, cây ăn quả với diện tích hơn 2ha keo, hàng trăm gốc đào và một số loại cây ăn quả khác. Hướng tới đây, tôi đang đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn để phát triển kinh tế”, anh Hà nui vẻ cho biết.
Do mô hình chăn nuôi gia cầm phù hợp với điều kiện của địa phương, những năm qua xã Quảng Thắng đã vận động nhân dân phát triển mô hình này theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn để cung ứng cho thị trường.
XEM THÊM >> Kinh nghiệm nuôi gà thả vườn hạn chế dịch bệnh
>> Gà chín cựa "ăn rừng, ngủ nhà" nơi vùng đất Tổ
Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương của gia đình anh Hà cũng như nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Quảng Thắng đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.
Từ mô hình chăn nuôi gà hiệu quả cũng giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.