Cây na sầu riêng "bén rễ" nơi vựa nhãn vùng biên giới Lóng Phiêng
Pha Cúng – một trong những bản trồng nhiều nhãn nhất ở xã Lóng Phiêng. Nhờ cây nhãn nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng. Cây nhãn được ví như cây làm giàu của những người nông dân ở bản này.
Tuy vậy, tại bản Pha Cúng, có một anh nông dân đã mạnh dạn phá bỏ đi 1ha nhãn của gia đình để mang cây na sầu riêng (nguồn gốc ở Đài Loan) về trồng ở bản, đó là anh Trần Như Kiên. Vườn na sầu riêng của anh Kiên hiện nay có 1.000 cây na sầu riêng, trong đó có 200 cây đang cho thu hoạch. Anh Kiên là người đầu tiên bắt cây na sầu riêng bén rễ trên đất Pha Cúng.
Qua câu chuyện với anh Kiên, được biết, trước đây, gia đình anh có vườn nhãn với tổng diện tích 1ha. Mỗi năm, vườn nhãn của gia đình anh cho thu nhập đều đặn vài trăm triệu đồng.
Thế nhưng sau khi tìm hiểu, học tập kỹ thuật chăm sóc cây na sầu riêng, tháng 6/2023, anh Kiên đã mạnh dạn phá bỏ hai vườn nhãn, rồi lặn lội vào tận Long An để mua cây na sầu riêng (giống F1) mang về trồng tại bản Pha Cúng. Lúc này, ai cũng bất ngờ về quyết định này của anh. Cho rằng việc trồng na sầu riêng trên vùng đất nhãn là điều không thể và lo sợ anh sẽ thất bại.
Không mảy may đến suy nghĩ của mọi người, anh Kiên quyết tâm phải trồng bằng được cây na sầu riêng. Sau ngày tháng dày công chăm bẵm, "đất không phụ công người", cây na sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, vườn na sầu riêng của anh bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Theo anh Kiên, cây na sầu riêng có năng suất cao hơn giống na bản địa và na Thái. Quả na sầu riêng có trọng lượng dao động từ 0,7 – 2,4kg; quả dài theo hình nón, ăn ngọt và thơm, có vị ngọt thanh với hương sầu riêng thoang thoảng phù hợp với nhiều người tiêu dùng.
"Sở dĩ anh chọn trồng cây na sầu riêng, bởi cây na thích nghi với tất cả chất đất, khí hậu chứ không kén như cây na ta và cây na Thái. Hơn nữa, cây na sầu riêng có khả năng chịu hạn và chịu lạnh tốt", anh Kiên chia sẻ.
Nói về kỹ thuật chăm sóc cây na sầu riêng, anh Kiên cho biết, cây na sầu riêng cần cho "ăn" theo lứa tuổi của cây và quả. Sau rằm tháng 2 âm lịch, tiến hành tỉa cành, bón lót bằng phân chuồng ủ hoai mục cho cây. Đến tháng 4 âm lịch cây bắt đầu ra lộc thì tiến hành bón lót, bón thúc cho cây. Tiếp đó, khoảng rằm tháng 6, tháng 7 âm lịch, bón phân NPK để kích thích cây na ra quả. Đến tháng 8 âm lịch, tiến hành thụ phấn cho cây na. Sau khoảng 20 ngày, khi na ra quả, cần bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, cứ 15 ngày cần bón phân ủ hoai mục và NPK 1 lần. Trước thời điểm thu hoạch 30 ngày phải ngừng bón phân cho cây na sầu riêng.
"Bên cạnh đó, 5 ngày trước thời điểm thu hoạch cần phải cắt nước tưới ẩm cho cây, tránh cho quả bị tụt cuống", anh Kiên lưu ý.
Cũng theo anh Kiên, cây na sầu riêng hay bị bệnh nhện đỏ, rệp sáp nên phải thường xuyên kiểm tra định kỳ và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Lúc quả na đạt trọng lượng từ 0,3 – 0,5 kg phải tưới nước giữ ẩm cho cây để quả phát triển. Bên cạnh đó, quy trình chăm sóc na sầu riêng đều phải chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ, để đảm bảo chất lượng và an toàn sinh học.
Với 200 cây na sầu riêng bắt đầu cho bói, dự kiến năm nay anh Kiên sẽ thu được khoảng 2 tấn quả. Như giá bán hiện tại là 80.000 đồng/kg, anh Kiên thu về 160 triệu đồng. Theo tính toán của anh Kiên, sang năm anh sẽ thu được khoảng 10 tấn quả na sầu riêng, trừ chi phí anh cũng "đút túi" tầm 700 triệu đồng.
"Ở bản Pha Cúng, chưa ai dám đưa cây na sầu riêng về trồng. Cây na không ra quả, mình bắt cây ra quả trên đất này mới là thành công. Đến bây giờ, người dân xung quanh ai cũng phải thán phục bởi quyết định của tôi.
Quan điểm của tôi là phát triển mô hình kinh tế không chỉ làm giàu cho bản thân mình mà còn phải làm giàu cho mọi người. Nếu mô hình na sầu riêng này thành công, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người, cùng nhau nhân rộng diện tích na sầu riêng tại địa phương", anh Kiên bộc bạch.