dd/mm/yyyy

“Cất cánh” cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh 9 (Agribank Q.9), nhiều “startup” có điều kiện phát triển các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao để vươn lên làm giàu nhanh chóng.

Về Quận 9 (TP.HCM) những ngày này, bên cạnh các dự án bất động sản đang mọc lên như... nấm, dễ dàng bắt gặp các dự án nông nghiệp công nghệ cao (hoa lan Mokara, dưa lưới...) của nhiều bạn trẻ với doanh thu hàng năm lên tới hàng tỉ đồng.

“Mạnh tay” khởi nghiệp từ đồng vốn ưu đãi

Ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với ngành nông nghiệp theo đúng chuyên ngành mình học từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, thế nhưng anh Lâm Ngọc Tuấn (1983) vẫn chưa thực hiện được chỉ vì lý do... “đầu tiên” - “tiền đâu”. Đầu năm 2016, sau một thời gian tìm hiểu các nguồn vốn hỗ trợ từ UBND TP.HCM để phát triển nông nghiệp đô thị, anh Tuấn quyết định tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Agribank chi nhánh 9.

Nguồn vốn của Agribank giúp nhiều nông dân quận 9 làm giàu.
Nguồn vốn của Agribank giúp nhiều nông dân quận 9 làm giàu.

“Với khoảng 1.000 m2  đất của gia đình, tôi làm hồ sơ vay thêm 1,9 tỉ đồng từ Agribank để phát triển mô hình trồng rau thủy canh. Đến nay, sau hơn một năm đưa sản phẩm ra thị trường, bình quân mỗi tháng tôi có khoản thu nhập 90 triệu đồng” - anh Tuấn khoe.

Cũng theo anh Tuấn, hiện anh đang làm hồ sơ để vay 2 tỉ đồng từ Agribank để đầu tư thêm trang trại rau thủy canh khoảng 6.500 m2  vì hiện tại nguồn cung của trang trại không đáp ứng nổi nhu cầu của khách hàng. “Tôi ấp ủ ước mơ làm nông nghiệp sạch cách nay hơn 10 năm nhưng không đủ vốn làm. Cũng may nhờ có các chính sách hỗ trợ lãi vay của thành phố, cùng với cách giải quyết thủ tục vay linh hoạt của Agribank mà đến nay tôi thực hiện được ước mơ” - anh Tuấn chia sẻ.

Cũng khởi nghiệp thành công nhờ đồng vốn hỗ trợ của Agribank Q.9 là ông Hồ Ngọc Xuân - một cựu cán bộ của Agribank. Theo ông Xuân, nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của TP.HCM, ông Xuân quyết định đầu tư trang trại khoảng 13ha (Trang trại Phú Xuân - tỉnh Bình Định). Đến thời điểm hiện tại, trang trại của ông Xuân có quy mô vào loại “khủng” với tổng số heo nái lên tới 2.700 con, bình quân 1 ngày cho khoảng 150 – 180 heo con để xuất heo giống đi các tỉnh thành và sang cả đất nước Lào.

“Tôi lập doanh nghiệp ở Q.9 nhưng do TP.HCM quy định không chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn nên tôi quyết định đặt trang trại ở Bình Định với quy mô đầu tư khoảng 100 tỉ đồng. Nhờ đồng vốn ưu đãi lãi suất của Agribank nên tôi quyết định vay hơn 70 tỉ đồng để phát triển trang trại. Hiện, tôi xuất bán heo giống với giá trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/con và với quy mô khoảng 5.000 heo giống/tháng nên tôi có thu nhập khá ổn định” - ông Xuân cho biết.

Trường hợp sử dụng đồng vốn hiệu quả như anh Lâm Ngọc Tuấn, ông Hồ Ngọc Xuân... chỉ là đại diện cho hàng trăm trường hợp vay vốn Agribank chi nhánh 9 để làm “startup” nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Theo ông Vũ Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh 9, để hỗ trợ khách hàng làm nông nghiệp tốt nhất, ngân hàng cũng tạo điều kiện với các ưu đãi bằng lãi suất, phí, khi khách hàng gặp rủi ro khách quan bất khả kháng hoặc hỗ trợ khi khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện hơn nữa để Agribank chi nhánh 9 thực sự là điểm tựa, là lực đẩy giúp cho các hộ nông dân trên địa bàn dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng” - ông Tuấn chia sẻ.

Khách hàng và ngân hàng cùng đồng hành

Thực tế, dù tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Q.9 chiếm không nhiều trong tổng dư nợ của Agribank chi nhánh 9 nhưng nhờ sự đồng hành của khách hàng mà tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn của Agribank chi nhánh 9 khá nổi bật. Cụ thể, tính đến hết 31.7.2018, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt khoảng 7.136,5 tỉ đồng thì dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm hơn 1.155,4 tỉ đồng (khoảng 16%), trong đó nợ xấu khoảng 6,2 tỉ đồng (0.005%).

Anh Lâm Ngọc Tuấn (bên trái) cùng cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh 9 (Q.9, TP.HCM) thăm vườn rau thủy canh của gia đình.
Anh Lâm Ngọc Tuấn (bên trái) cùng cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh 9 (Q.9, TP.HCM) thăm vườn rau thủy canh của gia đình.

Theo ông Vũ Thanh Tuấn, các cán bộ tín dụng của chi nhánh luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn với khách hàng khi gặp khó khăn, cập nhật thường xuyên những chính sách ưu đãi về lãi suất, phí... cho khách hàng nên tạo được niềm tin và vì thế công tác thu hồi nợ cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng có nhiều trăn trở khi khách hàng còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Ông Tuấn dẫn chứng, có trường hợp khách hàng ở Q.9 nhưng vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở một số tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai... và vướng vào quy định thẩm định giá đất do UBND các tỉnh thành quy định (khoảng 192.000 đồng/m2 ) nên khó giải ngân nguồn vốn lớn dù đầu tư của khách hàng khá nhiều. Hoặc có trường hợp nhiều nông dân trên địa bàn Q.9 phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng do phần đất đó không nằm trong quy hoạch khu công nghệ cao, không đáp ứng chuẩn quy định... nên khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ TP.HCM mà phải vay với lãi suất cao hơn...

“Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để cho vay phù hợp với từng đối tượng, từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể” - ông Tuấn khẳng định.

Quốc Hải