Khởi sắc sau đại dịch
Được ví như đất nước Việt Nam thu nhỏ, Quảng Ninh là tỉnh đa dạng địa hình từ biển, vùng đồi núi, vùng trung du và đồng bằng. Đặc biệt, Quảng Ninh sở hữu nhiều vũng, vịnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sinh vật trú ngụ và sinh sống. Từ đó tạo nên nền tảng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề nuôi cá biển.
Hiện nay, diện tích mặt biển tại Quảng Ninh là trên 6.000km2, đây là tiềm năng nổi trội để phát triển các hình thức nuôi cá lồng bè mà rất ít địa phương trong cả nước có được.
Sở hữu môi trường nuôi phù hợp với nhiều động thực vật phù du, độ sâu phù hợp, nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng bởi gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt là lợi thế lớn đối với tỉnh Quảng Ninh.
Tận dụng điều đó, nghề nuôi biển ở Quảng Ninh cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện nay, tổng diện tích nuôi cá biển là trên 2.200ha với khoảng 15.000 ô lồng (tăng hơn 6.000 ô lồng so với năm 2013) tập trung chủ yếu ở các địa phương như Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá song, cá chim vây vàng, vược, giò...
Tại cảng Cái Rồng thuộc khu trung tâm huyện Vân Đồn, vựa thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, từng thuyền cá tấp nập ra vào lúc từ sáng sớm để kịp phân phối hải sản tươi sống đến các khu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tiếng mua bán, tiếng còi xe huyên náo một vùng, trái ngược với sự yên ắng trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.
Nằm cách đất liền khoảng 15 phút chạy tàu, khu bè nuôi cá song của ông Phạm Văn Dương đang trong giai đoạn xuất bán. Ông Dương cho biết, hiện giá cá song đã cao và ổn định hơn so với thời kỳ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
“Ngày ấy, cá song tại bè nuôi của gia đình tôi đã quá thời gian thu hoạch nhưng chẳng thể tiêu thụ, giá lại xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 130.000 đồng/kg. Khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động mua bán đã phục hồi, giá bán cá song hiện tại của gia đình tôi đã cao gần gấp đôi, đạt 245.000 đồng/kg”, ông Dương tâm sự.
Với 200 ô lồng, mỗi ô nuôi cá song cho thu hoạch gần 1 tấn cá, gia đình ông Dương có thu nhập hàng tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 161.000 tấn (trong đó sản lượng khai thác đạt 74.000 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 87.000 tấn), có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản lượng từ khai thác sang nuôi trồng.
Đơn cử năm 2014, sản lượng khai thác chiếm 57%, nuôi trồng chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản. Đến năm 2022, cơ cấu sản lượng khai thác giảm còn 45,88%, nuôi trồng phát triển chiếm 54,12% tổng sản lượng thủy sản.
Về sản xuất giống cá biển, toàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất cá biển chính gồm HTX sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt tại huyện Đầm Hà, doanh nghiệp tư nhân Phương Anh tại TP Móng Cái và một số đơn vị khác đã đầu tư công nghệ sản xuất giống. Hiện nay, sản xuất giống cá biển tại Quảng Ninh đáp ứng khoảng 35% nhu cầu thị trường. Được biết, các đơn vị này đang quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống cá biển trên địa bàn huyện Đầm Hà và TP Móng Cái. Đối tượng sản xuất giống chính là cá vược, cá song, cá chim vây vàng,...
Đa dạng hóa nguồn thu từ những ô lồng
Với chủ trương thay thế vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu mới bền vững, không ô nhiễm, thân thiện với môi trường, HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn) là đơn vị tiên phong sử dụng phao nổi và lồng bè nuôi cá bằng chất liệu HDPE trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, HTX Phất Cờ đã kết hợp với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát nhằm đầu tư, xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp với du lịch cùng các xã viên.
Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5ha gồm nhiều phân khu như nhà điều hành kết hợp đón khách 240m2 với sức chứa trên 60 người; lồng phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; bè check-in với diện tích 16m2. Cùng với đó là hệ thống lồng vuông với diện tích từ 16 - 30m2, hệ thống lồng tròn với đường kính 12m phục vụ nuôi cá song, cá chim, vược…
Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Đến tham quan, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý mô hình nuôi. Đặc biệt, được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến…
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc điều hành Tập Đoàn Super Trường Phát cho biết, nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái là một hướng đi đúng đắn với quốc gia có đường bờ biển trải dài như Việt Nam.
Hiện nay, ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ thay đổi vật liệu sản xuất trong nuôi biển để hướng đến làm du lịch, tạo môi trường bền vững, không sản sinh chất độc hại ra môi trường biển, giúp các loài thủy hải sản phát triển tốt.
"Hiện nay, chúng ta có thể kết hợp 2 ngành nghề du lịch và nuôi cá biển, tạo ra ngành, nghề mới là nghề cá giải trí. Cạnh nước ta có Trung Quốc và Đài Loan đang áp dụng nghề cá giải trí trên các lồng bè dùng vật liệu HDPE, Composite có thu phí. 5 - 7 hộ nuôi có thể kết hợp với nhau tạo thành làng du lịch nhỏ, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá sản phẩm từ nuôi biển, giúp người nuôi tăng thêm thu nhập", bà Bình chia sẻ.
“Vượt vũ môn” góp phần đưa ngành thủy sản hóa rồng
Theo ông Đỗ Đình Minh, năng suất nuôi biển, trong đó có nuôi cá biển của Quảng Ninh hiện nay chưa cao, chỉ đạt khoảng 60%.
“Tuy nhiên, với tỉ lệ đó, mỗi ô lồng nuôi cá cho sản lượng khoảng 600kg, với số lượng 15.000 ô lồng và giá bán trung bình khoảng 180.000 đồng/kg cũng đã mang lại doanh thu gần 2.000 tỷ đồng mỗi năm”, ông Minh cho biết.
Sản lượng và doanh thu từ nuôi biển nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng ở Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao hơn theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh rất thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN. Cùng với đó là lực lượng lao động sẵn có, dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu công việc nuôi biển.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch nuôi lồng bè theo hướng tập trung trên diện tích 300ha tại vùng biển của TP Cẩm Phả và TP Móng Cái, đối tượng nuôi chủ yếu là cá song, cá chim vây vàng, sản lượng ước tính từ 2.000 - 3.000 tấn/năm, tỉ lệ nuôi thành công có thể đạt trên 80%.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, riêng về lĩnh vực nuôi biển Quảng Ninh hiện mới đang phát triển ở bước đầu, đây cũng là thuận lợi để ngay từ đầu hoạch định hướng sản xuất lớn, thay từ nghề cá nhân dân với chủ thể là ngư dân sang nghề cá công nghiệp với chủ thể là doanh nghiệp, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi hợp lý để các loại thủy sản, trong đó có cá biển phát triển tốt nhất.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất trong nuôi biển theo chuỗi giá trị sản xuất từ cung ứng vật tư, giống bố mẹ, giống con, sản phẩm thương phẩm đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hình thành các vùng nuôi biển tập trung là đầu mối liên kết theo chuỗi, giảm bớt các khâu trung gian.
Có thể nói, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nghề nuôi biển nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng ở Quảng Ninh đã và đang phục hồi một cách nhanh chóng. Vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, nghề nuôi biển sẽ “vượt vũ môn” để góp phần đưa ngành thủy sản Quảng Ninh hóa rồng trong tương lai, góp phần mang lại doanh thu nhiều tỷ đô như kỳ vọng.
Hiện nay, thời điểm giao mùa từ hè sang thu, từ thu sang đông là lúc cá nuôi dễ bị dịch bệnh. Lý do là sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa, giữa ngày và đêm khiến sức đề kháng của cá bị kém đi. Vì vậy, các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi cần có biện pháp phòng dịch như bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho cá.
Trong giai đoạn 2013 - 2022, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã có sự phát triển đáng kể, một số công nghệ và đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào ứng dụng sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản.