Bò ở nhà xây, người ở nhà tranh vách nứa
Ngày 23/7, Công an tỉnh Nghệ An vẫn đang tiếp tục điều tra liên quan đến một số thông tin bất cập trong quá trình triển khai thực hiện "Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu" của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2016 đến nay.
Trước đó vào tối 21/7, Công an Nghệ An đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Kim Văn Bốn (Cán bộ Phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về tội tham ô tài sản trong quá trình thực hiện đề án trên.
Được biết, "Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu" này đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 108 tỷ đồng và 12 tỷ là ngân sách đối ứng địa phương). Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc phân khai nguồn kinh phí thực hiện Đề án này, trong đó nêu rõ các hạng mục. Phần hỗ trợ sản xuất của quyết định trên có 6 nội dung.
Cụ thể, phần hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng…
Đặc biệt, có hạng mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,6 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương). Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỷ đồng. Có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỷ đồng, tức là một chuồng bò được đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 236 triệu đồng.
Theo thiết kế xây dựng, mỗi chuồng nuôi có kích thước 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m. Trước và sau chuồng bò đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông, phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, mái lợp tôn.
Sau khi chuồng bò được xây dựng và đưa vào sử dụng đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng việc xây dựng chuồng bò đắt là quá lãng phí, không phù hợp. Trong khi đó, người dân trên địa bàn này đang ở nhà tranh tre vách nứa, chưa được xây dựng kiên cố thì chuồng bò được xây dựng đẹp hơn chẳng khác nào bò lại được xây "biệt thự" để ở.
Bất cập ở các hạng mục đầu tư
Liên quan đến thực hiện đề án trên, ông Vi Văn Đậu - Bí Thư Đảng ủy xã Nga My (Tương Dương) cho biết, toàn xã này có 103 hộ gia đình với 450 nhân khẩu là người dân tộc Ơ Đu. Cuộc sống người dân toàn xã và người Ơ Đu còn khó khăn. Một số người Ơ Đu đã có nhà xây, số còn lại chủ yếu ở nhà sàn nhỏ bằng gỗ lợp tranh tre.
Sau khi thực hiện đề án này, hiện 67 chuồng bò này đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng hơn 1 tháng nay trên địa bàn bản Văng Môn. Tổng cộng có 280 con bò được cấp về cho các hộ gia đình.
Ông Đậu cho biết thêm, trong đề án này có thực hiện việc khai hoang trồng cỏ để người dân chăn nuôi. Cụ thể có khoảng 8ha đất được sử dụng làm việc trồng cỏ, ngô. Tuy nhiên, hiện tại số diện tích cỏ và ngô sống rất ít, số còn lại để hoang không trồng, một số diện tích thì cỏ chết. Việc trồng cỏ đã không hiệu quả.
"Cũng có một số dư luận xôn xao là xây biệt thự cho bò này nọ. Nhưng thực hiện đề án này xã chỉ là đơn vị hưởng lợi, họ xây dựng, xã không được tham gia gì", ông Đậu cho biết thêm.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Đậu cho biết thời gian qua cơ quan công an huyện và tỉnh có về làm việc tại địa phương xã và xuống trực tiếp làm việc với người dân trong bản. Ông Đậu cho biết, Đề án này thực hiện phía địa phương xã chỉ là đơn vị hưởng lợi từ dự án. Còn mọi việc từ xây dựng cho đến thực hiện đề án xã đều không được tham gia.
Được biết, hiện tổng vốn được ngân sách Trung ương cấp về cho dự án này là 28,181 tỷ đồng. Trong đó vốn sự nghiệp cấp năm 2018 là 18,182 tỷ đồng và vốn sự nghiệp cấp năm 2019 là 9,369 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thực hiện trong đề án này là gần 28 tỷ đồng.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với báo chí, ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng Công trình (Sở NN&PTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) cho biết: Việc thẩm định giá dự án được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của cả tỉnh. Không có chuyện muốn duyệt thế nào cũng được.
Theo ông Quyền, quy trình thẩm định giá là sau khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án, Ban Dân tộc lựa chọn, thuê tư vấn để thiết kế các hạng mục công trình. Căn cứ vào hồ sơ xây dựng chuồng trại gia súc mà Ban Dân tộc trình, Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra lại khối lượng, định mức, chế độ và đơn giá quyết toán.
Kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT được Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Dân tộc trình UBND tỉnh ký phê duyệt.