Hoa hồng là loài cây hoa cảnh dễ trồng, cây rất ưa nắng và thích nghi tốt trong nền nhiệt độ từ 15-30 độ c. Với các giống hồng ngoại, và hồng truyền thống đều gặp phải vấn đề về sâu bệnh. Một trong những loại bệnh phổ biến thường gặp trên hoa hồng phải đặc biệt chú ý đó chính là bệnh phấn trắng.
Bệnh phấn trắng sẽ lan rất nhanh khiến cho cây hoa hồng phát triển chậm thậm chí không còn sức sống và chết. Do đó, người trồng hoa phải thực sự nghiêm túc phòng trị bệnh phấn trắng cho hoa hồng được phát triển bình thường và cho hoa nở như ý muốn.
Nguyên nhân gây bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng
Bệnh phấn trắng thường xuất hiện khi có thời tiết mưa nhiều và độ ẩm không khí trên 80% và bệnh là do một loại nấm có tên là Sphaerotheca pannosa gây ra cho cây.
Bệnh thường phát triển nhanh khoảng đầu mùa Xuân khi có thời tiết mưa Xuân và thời tiết bắt đầu ấm dần lên và khoảng đầu tháng 9 đến tháng 12 là thời điểm mà bệnh phấn trắng phát triển nhanh nhất.
Dấu hiệu nhận biết cây hoa hồng bị bệnh phấn trắng
Bệnh xuất hiện trên lá, thân, cành non và nụ hoa. Trên các bộ phận bệnh có một lớp nấm màu trắng bao phủ trên bề mặt trông như bột phấn trắng mịn rắc lên trên. Lá bệnh thường biến dạng, mép lá cong cuốn, thô, dày, lá nhỏ, chồi ngọn bé, nụ hoa và lá vàng, dễ rụng.
Vết bệnh dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, thậm chí chết cây.
Phòng và trị bệnh phấn trắng cho hoa hồng
Phát hiện ra bệnh phấn trắng sớm sẽ giúp cho cây hoa hồng có khả năng ra bông sớm hơn. Nên có các biện pháp phòng ngừa kịp thời và ngăn chặn bệnh lây lan ra toàn cây.
Do đó, trước hết để hạn chế bệnh phấn trắng trên hoa hồng thì bước đầu tiên cần phải lưu ngay từ đầu đó là khâu chọn giống. Cần phải chọn giống hoa hồng có sức kháng bệnh cực tốt.
Ngoài khâu chọn giống cũng cần phải vệ sinh nơi đất trồng, làm thông thoáng mặt luống, trồng đúng mật độ, không trồng quá dày để giảm độ ẩm mặt luống giúp cây và lá nhận được nhiều ánh sáng.
Và cuối cùng nếu thấy hiện tượng bệnh phấn trắng tấn công cần thu gom tiêu hủy triệt để tàn dư bị bệnh. Có thể sử dụng một số loại thuốc như Chlorothalonil (Daconil 75WP); Hexaconazole (Anvil 5SC); Iminoctadine (Bellkute 40 WP); Difenoconazole; Propiconazole (Map super 300 EC); Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC);Tebuconazole + Trifloxystrobin (Nativo 750WG); Triforine (Saprol 190DC). Lưu ý các loại thuốc này cần được mua ở cửa hàng uy tín, sử dụng phải theo hướng dẫn cụ thể để đảm bảo an toàn.
Trường hợp trồng cây hoa hồng trong nhà lưới, nhà kính cần chú ý tăng cường thông gió, giảm bớt nhiệt độ và độ ẩm. Bón phân cân đối, không bón dư thừa đạm. Ngắt bỏ lá bị bệnh phấn trắng, đem tiêu hủy để tránh lây lan sang diện rộng.
XEM THÊM >> Vườn hoa hồng lung linh tuyệt đẹp trên sân thượng nhà phố Sài thành