dd/mm/yyyy

Cách phòng trừ dịch bệnh nguy hiểm cho cây hồ tiêu mùa mưa

Đối với dịch hại trên cây tiêu thì “Phòng là chính, trị là bỏ”. Do đó nếu để vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh héo nhanh, héo chết chậm thì hiệu quả phòng trừ không cao mà lại rất tốn.

Cây hồ tiêu có tên khoa học là Piper nigrum l. thuộc họ Piperacea được du nhập và trồng tại Quảng Nam từ lâu đời. Hồ tiêu được trồng nhiều ở các vùng của Quảng Nam như Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh...Hiện nay có gần 100% số vườn tiêu bị nhiễm tuyến trùng và rệp sáp. Hiện tượng chết nhanh do nấm Phytophthora, chết chậm các nấm nhưFusarium sp, Rhizoctonia sp, bệnh tuyến trùng, rệp sáp và một số sâu bệnh hại khác...là nguyên nhân làm suy tàn nhiều vườn tiêu.

Tỉa bỏ các cành mọc sát đất để hạn chế nhiễm bệnh từ mặt đất.
Tỉa bỏ các cành mọc sát đất để hạn chế nhiễm bệnh từ mặt đất.

Đối với dịch hại trên cây tiêu thì “Phòng là chính, trị là bỏ”, do đó cần phải phòng dịch hại cho cây tiêu một năm hai lần – đầu mùa mưa và đầu mùa khô. Chi phí cho một lần xử lý trên một vườn tiêu là rất thấp nhưng hiệu quả mang lại là rất cao. Trong khi đó nếu vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh héo nhanh, héo chết chậm thì hiệu quả phòng trừ không cao mà lại rất tốn kém (phải xử lý 4 lần/tháng và xử lý liên tục đến khi bệnh ngừng gây hại). Để nâng cao hiệu quả phòng trừ cho bà con nông dân trồng tiêu, chúng tôi đưa ra một số giải pháp đã và đang được áp dụng hiệu quả trên các vườn tiêu tại Quảng Nam hiện nay:

Thứ nhất, vệ sinh vườn tiêu và tạo tán cho cây tiêu. Dọn sạch cỏ, lá cây rụng trong vườn, làm cho vườn cây thông thoáng, làm sạch cỏ quanh gốc tiêu trong vòng bán kính khoảng 0,5m. Cần tỉa bớt những cành tược, cành lươn mọc ra từ gốc tiêu và cành tược mọc ngoài khung thân chính, những cành sâu bệnh, cành ốm yếu bị che khuất ánh sáng. Ở một số vườn tiêu có hiện tượng hoa trổ rải rác không đúng thời vụ nên cắt bỏ những hoa này để tập trung cho hoa ra hàng loạt và quả chín tập trung. Đối với những chói tiêu đã già cỗi hoặc nhiễm sâu bệnh nặng nên đào gốc và tiêu hủy để tránh lay bệnh sang những chói khỏe trong mùa mưa.

Thứ hai, cắt xén nọc cây sống. Xén tỉa nọc sống trước mùa mưa tránh bóng rợp và sâu bệnh hại phát sinh trong mùa mưa do ẩm độ cao và thiếu ánh sáng. Đối với tiêu kinh doanh, đây là thời gian tiêu bắt đầu ra hoa. Tuy nhiên, để mầm hoa xuất hiện và ra rộ thì cần phải có một lượng ánh sáng nhất định, do đó việc xén tỉa nọc sống còn tạo điều kiện kích thích mầm hoa ra rộ và tập trung.

Thứ ba, chống ngấp úng cho vườn tiêu. Hồ tiêu là cây trồng rất thích ẩm nhưng không chịu được úng nên nhất thiết phải thiết kế mương thoát nước cho vườn tiêu. Khoảng 10-15m đào một rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 15-20cm, rộng 20cm, giữa hai hàng trụ tiêu. Dọc theo hướng dốc chính, khoảng 30-40m, thiết kế một mương sâu 30-40cm, rộng 40cm, giữa hai hàng trụ tiêu, mương thẳng góc với rãnh thoát nước. Vun gốc tiêu, không cho nước đọng ở gốc.

Thứ tư, bón phân cho tiêu. Để tăng khả năng sinh trưởng phát triển và chống chịu với điều kiện bất lợi (sâu bệnh hại, rét, úng...) cây tiêu cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối. Ngoài lượng phân vô cơ và hữu cơ theo quy trình thì cần bổ sung thêm các yếu tố trung lượng (Ca, Mg) và vi lượng (ZN, Bo) rất cần cho cây tiêu để hạn chế rụng hoa và quả non ( thường có trong các loại phân bón lá và phân hữu cơ chế biến có bán trên thị trường). Phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh, rơm...) nếu được ủ với các chế phẩm vi sinh có chứa các vi sinh vật đối kháng có lợi như Trichoderma, Pseudomonas...không những làm cho tiêu sinh trưởng phát triển tốt mà còn hạn chế, phòng được một số bệnh hại nguy hiểm trên tiêu như bệnh héo chết nhanh, chết chậm... Hiện nay, bón phân gà cho tiêu là một giải pháp hạn chế tuyến trùng gây hại rất hiệu quả. Chú ý, khi bón phân tránh làm tổn thương rễ tiêu tạo điều kiện cho nấm và tuyến trùng tấn công gây hại. Tùy theo điều kiện và địa thế vườn có thể xới cạn 5-10cm quanh gốc, cách gốc 40-60cm để bón hoặc hòa nước tưới, có thể dùng xà ben nọc nhiều lỗ quanh gốc để bón.

Thứ năm, xử lý thuốc định kỳ cho vườn tiêu. Đối với vườn tiêu có lịch sử bị bệnh héo chết nhanh hay tuyến trùng thì việc xử lý thuốc định kỳ (2 lần/ năm, đầu mùa mưa và đầu mùa khô) là cần thiết. Riêng ở Quảng Nam, Aliette (gốc Fosetyl Aluminium) và Ridomin (gốc Metalaxyl) là hại loại thuốc phòng trừ bệnh héo chết nhanh rất hiệu quả. Chú ý, Aliette là thuốc lưu dẫn hai chiều nên có thể hòa phun lên thân lá ngang tầm mắt, không cần phun trên ngọn cao hay sát đất, khi thuốc được cây hấp thụ sẽ được lưu dẫn xuống rễ và lên ngọn. Ngược lại, Ridomin chỉ lưu dẫn 1 chiều đi lên nên chỉ hòa tưới vào gốc chứ không phun. Đối với tuyến trùng gây hại có thể dùng Marshal. Bất kì loại thuốc hóa học nào được sử dụng đều phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng cẩn trọng, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, thường xuyên thăm vườn trồng hồ tiêu, theo dõi kiểm tra để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Quan sát sự sinh trưởng của tiêu để có biện pháp tác động thích hợp (nước, phân...) giúp tiêu phát triển tốt. Điều tra mật độ sâu hại và thiên địch để đánh giá mức độ cân bằng của chúng nhằm đề ra quyết định xử lý thích hợp.

(Dân Việt)