Trong dịp Tết Nguyên Đán, vấn đề an toàn thực phẩm lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ngộ độc thực phẩm như trong những ngày này, nhu cầu mua bán tăng nhanh, thực phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào mâm cơm, bàn tiệc của mỗi gia đình. Hay việc nấu nhiều thực phẩm để thờ cúng dẫn đến thức ăn bị để lâu trong môi trường có thể gây hại nếu không được bảo quản đúng cách...
Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc ngày tết, người tiêu dùng nên chủ động biết cách chọn những thực phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho gia đình.
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt (PCT HĐQT NutiFood) đã chia sẻ cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm những ngày lễ:
1.Mua thực phẩm ở nơi đáng tin cậy
Nên mua thực phẩm ở những nơi có uy tín, tốt nhất có các chứng nhận của cơ quan chức năng, không mua thực phẩm tươi sống ở những nơi bày bán không đảm bảo vệ sinh (sạp, rổ, mẹt để sát đất).
2. Lựa chọn thực phẩm tươi, có nguồn gốc
Chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Với gia cầm, chọn con có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt gia cầm hỏng có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục, nhắm nghiền.
Không mua rau quả đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có hình dạng bất thường như quá mập, quá phồng, hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Khi sử dụng, cần nhặt tách riêng từng lá và cọng rau, ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút để hòa tan thuốc bảo vệ thực vật (nếu có). Sau đó, rửa trôi 2-3 lần dưới vòi nước chảy. Nếu là quả thì nên rửa sạch, gọt bỏ vỏ, loại những quả dập nát.
Thực phẩm đóng gói, đóng hộp như lạp xưởng, xúc xích, bánh mứt, nước đóng chai, các loại gia vị... nên chọn những loại có nhãn mác, nhà sản xuất có uy tín, còn hạn dùng, nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
3. Ăn uống và bảo quản thực phẩm đúng cách
Thức ăn phải được sơ chế kỹ càng trước khi chế biến. Nấu chín thực phẩm là cách để tránh gây ngộ độc. Thực phẩm chế biến xong nên ăn ngay, đảm bảo thơm ngon, hợp vệ sinh. Trường hợp nấu thức ăn thờ cúng để lâu cần tránh ruồi nhặng. Nên hâm nóng thức ăn trước khi ăn, thực phẩm ăn không hết cần bảo quản trong tủ lạnh đúng cách.
Nếu ăn bên ngoài hàng quán nhất là khi đi trên đường cần chú ý chọn nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn được trưng bày trong tủ kính sạch sẽ, người bán không dùng tay bốc thức ăn, không vừa múc thức ăn vừa thu tiền… nên ăn những món đã nấu chín, hạn chế các loại rau, thực phẩm còn sống.
Ngoài ra, chúng ta cũng rất cần rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống đúng cách và thường xuyên. Bởi thói quen có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống, từ đó giảm thiểu khả năng ngộ độc thực phẩm, giúp bạn và gia đình đón Xuân trọn vẹn hơn và vui vẻ hơn.
Một số biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê.
Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng muối/chén nước.
Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.