Để ổn định đầu ra cho cà phê, người nông dân cần liên kết với doanh nghiệp
Sản xuất nhỏ vững mạnh nhờ liên kết
Từ nhiều năm nay, TP.HCM có chương trình kết nối cung cầu hỗ trợ nông dân gặp các nhà phân phối để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều cuộc hội thảo có sự tham gia của Sở Công Thương, Sở NNPTNT của 21 tỉnh, thành phía Nam để trực tiếp kết nối, tạo điều kiện gặp gỡ, hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối nông sản, thực phẩm tại TP.HCM.
Những cuộc hội thảo như thế luôn có sự góp mặt của hơn 20 nhà phân phối trên địa bàn TP.HCM, gồm các doanh nghiệp lớn có hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các đơn vị kinh doanh nông sản – thực phẩm an toàn… Bởi thế, những vẫn đề luôn “nóng” ở hội thảo chính là làm thế nào để kết nối tốt nguồn cung với đơn vị phân phối.
Dây chuyền sản xuất trứng của doanh nghiệp tại TP.HCM
Với chức năng của mình, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cung cấp danh sách các đơn vị sản xuất ở những địa phương có nhu cầu cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn. Trong khi đó, các đơn vị phân phối đều nhấn mạnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan cần sàng lọc các đơn vị sản xuất đăng ký kết nối đủ tiêu chuẩn để tham gia chương trình. Các đơn vị sản xuất phản biện, đưa ra hướng giải quyết cho những tồn tại ở cơ sở mình, hứa khắc phục khuyết điểm để có sản phẩm tốt nhất cho thị trường…
Những cuộc họp, hội thảo như trên từ lâu đã là nơi để các nhà quản lý, đơn vị phân phối cũng như bà con nông dân bàn thảo tìm tiếng nói chung nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP.HCM. Nhờ đó, nhiều chuỗi sản xuất, nhiều trang trại đã tìm được đối tác, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối rất hiệu quả.
Chỉ nói riêng lĩnh vực chăn nuôi, TP.HCM xây dựng chuỗi liên kết kết hợp với việc chứng nhận VietGAP cho nông dân trên tổng đàn heo 41.000 con. Các hộ nuôi được tài trợ vốn để xây dựng chuồng trại, hầm biogas, tư vấn kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi an toàn. Cùng với đó, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ được đầu tư, nâng cấp để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, giúp người tiêu dùng an tâm.
Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, đã có gần 1.300 quầy sạp của 25 chợ trên địa bàn được kết nối, đầu tư nâng cấp đường sá, hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, quầy sạp, tủ… Sở NNPTNT còn đóng vai trò kết nối giữa các hộ chăn nuôi heo VietGAP với Công ty TNHH An Hạ. Qua đó, An Hạ cam kết bao tiêu toàn bộ heo VietGAP để giết mổ và đưa ra thị trường với công suất hơn 3.000 con/ngày, góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi heo sạch của TP.HCM. Hay như Công ty TNHH San Hà, một DN giết mổ, phân phối gia cầm tại TP.HCM đã ký kết tiêu thụ sản phẩm của người chăn nuôi với sản lượng hơn 100 tấn gia cầm/ngày. Nhờ đó, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không phải lo lắng về đầu ra, tập trung phát triển đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nối dài chuỗi liên kết
Sức lan tỏa của chuỗi liên kết ở TP.HCM không chỉ thực hiện giữa các trang trại trên địa bàn với nhau, mà còn xây dựng chuỗi cung cấp nông sản phẩm từ các tỉnh về thành phố, tạo thành những chuỗi liên kết nối dài. Nhờ đó, nhiều trang trại nhỏ tại các tỉnh, thành lân cận đã phát triển sản xuất thành công.
Các doanh nghiệp có thế mạnh về vốn và công nghệ sẽ giúp nông sản vươn ra thị trường xuất khẩu
Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) được biết đến với cách thức liên kết khá hiệu quả với 70 trại chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai, với tổng đàn gà thịt trên 800.000 con. Theo đó, công ty lo giống, kỹ thuật, thuốc thú y và đầu ra, các trại chỉ việc sản xuất. Đây cũng là mô hình liên kết chủ đạo tại Đồng Nai, nơi hiện có hơn 2.200 trang trại nuôi heo, 464 trang trại nuôi gà. Tỉnh này cũng đã hình thành được các chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi sẽ cân bằng lợi ích giữa các khâu như con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ, trong khi đó, chuỗi liên kết trong trồng trọt sẽ giúp giảm các khâu trung gian khi phân phối vật tư nông nghiệp tới tay nông dân. Qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, sản phẩm tăng được lợi thế cạnh tranh.
Ông Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, mục tiêu của Đồng Nai trong năm nay là phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Muốn làm được điều này, phải đáp ứng các nhu cầu về vốn, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thế nhưng, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, việc chuyển giao khoa học, công nghệ rất khó khăn, không thể chuyển giao cho từng người, từng hộ với quy mô chăn nuôi chỉ vài chục con heo thịt, vài đàn gà nhỏ lẻ. Do đó, ông Đạo cho rằng, việc liên kết giữa các DN và hộ gia đình, các trang trại là việc rất cần thiết và không thể thiếu trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp những năm tới.
Báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM cũng cho thấy, qua 5 năm triển khai chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, đã có gần 1.400 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, các DN, giá trị lượng hàng hóa tiêu thụ đạt gần 15.500 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để TP.HCM và các tỉnh lân cận tiếp tục đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trong nông nghiệp.