Anh Trường đang đổ thóc cho gà Hồ ăn tại trang trại của gia đình. (Ảnh Hải Đăng)
Theo anh Nguyễn Văn Trường, một chủ trang trại nuôi gà Hồ có tiếng ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), để nuôi thành công loài gà “tiến vua” này, việc quan trọng nhất là người nuôi phải biết cách xây dựng được chuồng trại đúng kỹ thuật.
Anh Trường cũng chia sẻ 8 bước làm chuồng trại nuôi gà Hồ, giúp anh thành công:
1.Chọn địa điểm xây dựng trang trại
Chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm nói chung và gà Hồ nói riêng không có sự khác nhau nhiều. Chỉ cần bà con chú ý chọn vị trí chăn nuôi xa khu dân cư, tránh khu vực ô nhiễm môi trường. Những khu vực cao, thoáng mát là tốt nhất để nuôi gà Hồ.
2.Thiết kế chuồng nuôi gà Hồ
Anh Trường chú ý bà con, việc xây dựng chuồng trại và khu vườn chăn thả gà Hồ phải đảm bảo các nhu cầu và đặc tính của gà Hồ như khâu: ăn uống, đi lại, thời tiết…
Nếu nuôi theo phương pháp công nghiệp, bà con cần đóng một ô chuồng kích thước 2-3m2. Dưới chuồng rải thêm trấu khô, dăm bào hoặc rơm, cỏ khô sạch,… cắt ngắn để làm đệm 5-10cm. Hoặc sử dụng tre hay gỗ đóng cao khoảng 40-70cm so với nền, để phân rơi xuống cũng dễ dọn dẹp.
Nếu nuôi bán chăn thả thì mặt trước của chuồng nên hướng về phía Đông Nam để đón lấy ánh sáng tốt chiếu vào buổi sáng, đảm bảo chuồng được khô thoáng, vệ sinh. Sàn chuồng làm bằng lưới hoặc tre thưa cách mặt đất khoảng 0,5 – 1m để khô thoáng, dễ dọn dẹp. Xung quanh chuồng nên rào bằng thanh tre hoặc gỗ thưa cách nhau khoảng 2-2,5cm để thoáng gió. Nếu ngày thời tiết nắng ráo, nên thả gà Hồ tự do ra sân vườn, buổi tối cho gà Hồ vào chuồng ngủ.
3. Máng ăn
Khi gà Hồ nhỏ 1-3 ngày tuổi, rải thức ăn trên giấy lót trong lồng úm cho chúng ăn. Từ 4-14 ngày tuổi, cho gà ăn bằng khay hoặc máng. Khi gà Hồ trên 15 ngày tuổi, cho ăn bằng máng treo (lưu ý nên làm máng có độ cao phù hợp để tránh gà nhảy vào máng ăn). Xung quanh bãi thả nên đặt thêm một số máng cát sỏi nhỏ, giúp cho gà dễ tiêu hóa thức ăn và cung cấp thêm 1 lượng chất khoáng.
4. Khu nuôi úm gà Hồ con
Để gà Hồ khỏe mạnh, ít bệnh tật và đảm bảo thân nhiệt được tốt khi thời tiết thay đổi, cần phải dùng lồng úm gà. 100 con gà Hồ con có thể nuôi trong một lồng úm có kích thước khoảng: 2m x 1m x 0,5m.
Sưởi ấm cho gà bằng đèn điện 60-200W tùy theo thời tiết. Khi gió rét có thể dùng bao tải, vải, bao, giấy… để bao bọc xung quanh lồng úm.
Sau khi gà Hồ con được 1 tháng tuổi thì không cần dùng lồng úm, để chúng tự do đi lại trong khu vực chăn nuôi.
5. Giàn đậu
Gà nói chung và gà Hồ nói riêng rất thích đậu trên giàn. Vì thế trong chuồng nuôi nên tạo thêm một số giàn đậu bằng tre hoặc gỗ cách nhau 0,3m và cách chuồng khoảng 0,5m.
6. Mái chuồng nuôi
Theo anh Trường, mái chuồng nuôi có thể làm bằng tôn hoặc ngói tránh nóng vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Để chống nóng vào mùa hè, bà con có thể lắp hệ thống phun nước lên mái cho hạ nhiệt chuồng nuôi, đảm bảo cho đàn gà phát triển tốt.
Mái chuồng nuôi có thể làm bằng tôn hoặc ngói tránh nóng vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
7. Ổ đẻ
Ổ đẻ của gà Hồ khác nhau tùy vào phương pháp nuôi chăn thả hoặc nuôi công nghiệp. Nuôi gà Hồ đẻ theo kiểu công nghiệp thì ổ đẻ là lồng nuôi gà. Khi gà Hồ đẻ, trứng sẽ lăn ra ngoài.
Nuôi gà Hồ thả hay bán công nghiệp thì phải làm ổ đẻ bằng thùng hoặc chuồng đẻ riêng. Ổ đẻ phải đặt nơi tối, khuất bóng gà Hồ trống hoặc gà mái khác.
Anh Trường chú ý bà con, không nên để gà Hồ tự ấp sẽ thất bại, bởi chân gà rất to, dễ làm vỡ trứng. Nếu nuôi số lượng ít bà con nên dùng các giống gà khác, có thể là gà Tây ấp trứng giúp. Nếu nuôi công nghiệp thì bà con có thể dùng máy ấp công suất lớn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
8. Bãi thả
Gà Hồ nuôi theo phương pháp nuôi thả hoặc bán công nghiệp thì nhất thiết phải xây dựng bãi thả. Tùy vào điều kiện mà việc xây dựng bãi thả phù hợp. Tốt nhất là nên xây dựng từ 2-4 bãi thả để luân phiên nhau và khoảng cách khoảng 1-5m2/con.
Trên bãi thả nên có cây bóng mát, có trồng cỏ xanh cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên… giúp cho gà Hồ có bộ xương khỏe, thịt săn chắc và ít bệnh tật.