Nuôi cá lồng tiềm năng lớn
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Nuôi cá lồng có lợi thế hơn các hình thức nuôi khác, đó là dễ chăm sóc, dễ quản lý, dễ khai thác. Đặc biệt, cá nuôi trong lồng đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng cao hơn nuôi trong ao hồ, thịt thơm ngon, săn chắc, không có mùi bùn, năng suất cao gấp 10 – 20 lần cá nuôi trong ao hồ.
Tiềm năng phát triển cá lồng ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng là rất lớn. Những năm qua, Bộ NN&PTNT đặc biệt chú trọng đầu tư các dự án phát triển cá lồng trên sông và hồ chứa tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Từ năm 2013 đến nay, nhờ các chương trình, dự án được triển khai, các mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa đã đem lại hiệu quả rất cao. Số lượng lồng nuôi tại các tỉnh tăng lên rất nhanh, cụ thể: Năm 2012 là 3.079 lồng, đến hết năm 2017 đã tăng lên khoảng 18.761 lồng, trung bình mỗi lồng có thể tích từ 50-120 m3.
Sơn La được xem là một trong những tỉnh phát triển nhanh về số lượng lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện. Tỉnh này có diện tích hồ thủy điện lớn nhất cả nước, với gần 22.000 ha. Sơn La hiện có 69 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, 4 doanh nghiệp nuôi cá lồng.
“Tuy số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm, nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Việc phát triển cá lồng tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng chưa thực sự bền vững, vì đầu ra không ổn định” – ông Tiêu nhấn mạnh.
Chú trọng khâu phòng trị bệnh
Theo ông Tiêu, phát triển nuôi cá lồng bền vững là vụ này nuôi được, vụ sau nuôi cũng được và hiệu quả cao hơn. Hay nói cách khác là đời bố nuôi được, đời con nuôi được và đời cháu cũng nuôi được. Đây cũng chính là mục đích của Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề “Phát triển cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững trên sông và hồ chưa vùng trung du miền núi phía Bắc” vừa được tổ chức tại huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Diễn đàn đã thu hút hàng trăm nông dân nuôi cá lồng ở 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu tham dự.
Bà Nguyễn Thị Hà – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, cho rằng: Muốn nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững, ngoài nắm vững kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn con giống chất lượng cao... người nuôi cá lồng phải chú trọng tới khâu phòng trị bệnh cho cá.
“Sau mỗi vụ nuôi, bà con nên kéo lồng lên bờ vệ sinh lồng bằng cách quét vôi lên khung lồng, lồng lưới được ngâm trong nước vôi sau đó giặt sạch phơi khô. Cá giống thả vào lồng nuôi cần phải kiểm tra đầu vào, để loại bỏ cá nhiễm mầm bệnh vi rút. Định kỳ hàng tháng cho cá ăn vitamin C hoặc bột tỏi để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho cá..” – bà Hà chia sẻ.
Cùng đoàn đại biểu dự Diễn đàn đến thăm cơ sở nuôi cá lồng của Hợp tác xã Hợp Lực, nằm trên lòng hồ thủy điện Sơn La, gần cầu Pá Uôn, cây cầu cao nhất nước, thuộc xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai) ông Tiêu đánh giá cao quy mô nuôi cá lồng bè của đơn vị này.
Hợp tác xã Hợp Lực có 8 thành viên, với tổng số 200 lồng nuôi 4 loại cá lăng và cá trắm đen. Năm 2017, từ nuôi cá lồng, hợp tác xã bán ra thị trường khoảng 150 tấn cá các loại, mang lại doanh thu hàng chục tỉ đồng.
“Để nghề nuôi cá lồng bè phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng cần phát triển theo quy hoạch. Khuyến khích tập trung phát triển nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững...” – ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh.