Vườn trồng hoa hồng của ông Tạo cho hàng chục ngàn bông hồng các loại.
Vay vốn học trồng hoa hồng
Ông Nguyễn Duy Tạo
Những năm trước đây gia đình ông Tạo chủ yếu trồng lúa. Dù vất vả, nhưng kinh tế gia đình ông rất khó khăn, thu nhập không đủ cho vợ chồng ông lo toan cuộc sống gia đình. Thấy các hộ dân trong thôn có thu nhập cao từ trồng hoa, ông Tạo cũng mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa hồng.
“Lúc đầu là vài sào ruộng để trồng thử nghiệm, thấy cho thu nhập ổn hơn, nên sau đó ông đã nhân rộng ra 8 sào như hiện nay”, ông Tạo cho biết.
Ban đầu, để có vốn trồng hoa hồng, ông Tạo mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng. Còn về các phương pháp canh tác hoa, ông chủ động học hỏi cách trồng của những nông dân trong xã, đồng thời thường xuyên theo dõi, học tập kinh nghiệm từ sách, báo cách phòng và trị bệnh cho hoa hồng.
Theo ông Tạo, việc chăm sóc hoa hồng phải tỉ mỉ như chăm con mọn. Hầu hết các công đoạn đều phải làm thủ công bằng tay, từ trồng, cắt tỉa cây đến quấn giấy báo vào búp hoa để khi nở hoa có độ xòe đẹp. Bởi thế, hàng ngày, vợ chồng ông Tạo làm cẩn thận từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc để có đuợc những bông hoa đẹp nhất phục vụ thị hiếu khách hàng.
“Thị trường tiêu thụ hoa hồng rất thuận lợi. Đây là loài hoa được khách hàng ưa chuộng, nhất là các dịp lễ, Tết, Mùng Một, ngày Rằm âm lịch nhiều khi tôi không còn hoa mà bán”, ông Tạo phấn khởi nói.
Trồng hoa hồng thu 200 triệu/năm
Hiện gia đình ông Tạo đang trồng 5 loại hoa hồng, trong đó nhiều nhất là giống hồng Pháp đỏ và hồng Tiểu Muội. Với giá bán trung bình từ 3.000 đến 5.000 đồng/bông, mỗi năm gia đình ông Tạo thu về hơn 200 triệu đồng từ thu cắt hoa hồng các loại.
Ông Nguyễn Duy Tạo
Về bí quyết trồng hoa hồng, ông Tạo cho hay: Trồng hoa hồng không khó. Trong quá trình trồng và chăm sóc hoa hồng, điều quan trọng nhất là phòng trừ sâu bệnh. Người trồng phải nhận biết được loại bệnh nào hoa hồng hay gặp theo mùa. Đơn cử, vào mùa xuân này, hoa hồng hay bị bệnh do nhện, rệp sáp, rầy mềm…
“Tôi thường ngừa và trị bằng thuốc pegasus của Thụy Sĩ và dầu khoáng... Với bệnh vàng lá, đốm đen, bệnh thán thư (gặp nhiều vào mùa mưa khi thời tiết ẩm ướt), tôi phòng ngừa bằng các loại thuốc kasuran, anvil...”, ông cho biết thêm.
Ngoài ra theo ông Tạo, để xua đuổi côn trùng chích hại cây, người trồng nên giã tỏi pha loãng với nước, phun định kỳ 15 – 20 ngày/cây. “Nông dân xã Mê Linh chúng tôi không chỉ biết trồng hoa giỏi mà còn biết cách trồng hoa an toàn, thân thiện với môi trường. Bà con đã nhận ra tác hại của thuốc trừ sâu hóa học nên chuyển sang dùng thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học dù giá thành đắt hơn 2 - 3 lần so với thuốc trừ sâu hóa học”, ông Tạo nhấn mạnh.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập, giờ đây những cánh đồng hoa hồng ở Mê Linh đang tạo nên nhiều nông dân triệu phú.