Cùng ngày Rằm tháng Bảy còn được gọi là Lễ Vu lan. Các vật phẩm dâng lễ cúng gồm hoa quả… bày mâm cỗ phải tươi ngon, sạch và đẹp mắt, cũng là để tỏ lòng thành kính báo hiếu trước tổ tiên, người đã khuất. Cách làm tuy đơn giản, nhưng cần có bí quyết thì món gà luộc mới mềm thịt, xôi mới dẻo thơm, hấp dẫn.
1/ Món gà cúng Rằm tháng Bảy
Nguyên liệu: 1 con gà, ngon nhất là chọn được gà trống hoa, hoặc gà mái tơ, nặng chừng 1 đến 1,2 kg. Nước vừa đủ để ngập mặt gà tùy theo nhu cầu dùng, có thể luộc bằng nước cốt dừa cũng rất ngon. Ngoài ra cần có gừng củ, lá dứa, hành lá, dầu mè, lá chanh, hạt nêm, dưa chuột, rau mùi và đặc biệt là cần chuẩn bị sẵn một chậu nước đá.
Cách làm:
- Sơ chế làm sạch gà, dùng dây lạt gấp ngược cánh gà sao cho đẹp; lòng gà, tiết; tách lấy phần mỡ gà để riêng. Xát muối gừng lên toàn bộ phần da gà cho sạch mùi. Sau đó, rửa lại gà bằng nước sạch, để ráo nước.
- Sơ chế rau gia vị (gừng thái lát mỏng, rửa sạch lá dứa, hành cắt lấy phần cọng trắng). Cho phần cọng hành, gừng và bó lá dứa vào trong bụng gà.
- Đổ nước vào nồi, đun to lửa. Khi nước sôi, thả ngập gà vào trong nồi nước theo cách nhúng lên nhúng xuống 3 lần, sau đó mới để cả con gà ngập trong nồi nước.
Bí quyết trụng gà 3 lần trong nước sôi sẽ giúp cho ngọt thịt, gà mềm không bị khô và giữ được màu sắc cùng hương vị thơm ngon đặc trưng.
Khi nước sôi lại (sau khoảng 5 phút), hạ nhỏ lửa và để gà thêm 10 phút nữa. Sau đó, tắt lửa và đậy kín nắp. Hãy để gà ngâm trong nồi nước sôi thêm 35 phút nữa. Kiểm tra độ chín của gà bằng cách dùng tăm xiên vào phần thịt dày nhất của đùi gà, nếu nước thịt tràn ra có màu trong không còn tia hồng là gà đã chín.
Khi thịt gà đã chín, dùng đũa nhấc gà lên từ dưới phần cánh và nhúng gà vào nước đá trong khoảng 20 phút để da gà giòn và thịt gà không bị nát.
Vớt gà ra và đặt lên đĩa. Dùng 2 thìa canh dầu mè xát đều lên bề mặt gà để gà thêm thơm ngon và không bị khô. Món gà luộc bày trên mâm cỗ cúng có thể để nguyên con, hoặc chặt miếng xếp lên đĩa. Nếu bày đĩa, lá chanh xắt sợi nhỏ rắc lên thịt gà, các loại rau mùi, dưa chuột... xắt lát trang trí tùy theo sở thích.
2/ Món xôi cúng Rằm tháng Bảy
Tùy nhu cầu mà chuẩn bị lượng gạo sao cho đủ. Có thể dựa theo công thức sau:
Gạo nếp ngon: 3 cốc (khoảng 600gr); Dầu ăn + mỡ gà: 4-5 thìa canh; Gừng băm: 4 - 6 lát; Nước dùng gà: 3 cốc (khoảng 650ml); Lá dứa: 4 lá (gấp thành 1 bó); Muối: 1 đến 1 1/2 thìa cà phê; Xì dầu để ăn kèm xôi
Cách làm:
Sơ chế: Gạo vo sạch và cần được ngâm trước trong nước (khoảng 8 giờ), vớt ra để ráo.
Cho 3 thìa canh dầu ăn vào chảo cùng mỡ gà và rán đến khi mỡ gà tiết ra hết. Gắp bỏ phần mỡ gà rán giòn khi nó đã chuyển màu vàng nâu. Thêm vào 1 1/2 thìa canh gừng băm và chiên đến khi dậy mùi thơm. Tắt bếp. Nhanh chóng thêm gạo vào và trộn đều. Thêm 1 đến 1 1/2 thìa cà phê muối vào gạo và đảo đều.
Cho hỗn hợp gạo vào nồi cơm điện. Thêm 3 cốc nước dùng gà. Đặt lá dứa lên trên cùng và nấu chín. Khi hạt gạo đã chín, bỏ phần lá dứa đi và dùng đũa đảo lên cho tơi; xới ra đĩa.
Xôi, gà sau khi đã nấu chín tùy theo phong tục tập quán từng nơi, có thể bày thành mâm riêng, hoặc chặt gà bày ra đĩa cùng với đĩa xôi, các món ăn thong thường khác của gia đình.
Chúc các bạn có một ngày Vu lan báo hiếu thật ý nghĩa, đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình, người thân!
XEM THÊM >> Những cách loại bỏ độc tố khi chế biến món măng tươi