dd/mm/yyyy

Bảo hiểm nông nghiệp - Kỳ vọng đổi mới

Nước ta với kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, nhiều năm qua nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế. Tự hào là thế, nhưng cũng không đo đếm hết được những cơ cực người nông dân phải trải qua. Mưa lũ, thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất... trở thành điệp khúc ”đến hẹn lại lên” của nhà nông Việt.

Hạn mặn ĐBSCL gây tổn thất cho nông dân (Ảnh TL)

Với kỳ vọng tạo thêm “tấm lá chắn” cho nông dân, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN. Những tưởng đây sẽ tạo một cú huých cho thị trường BHNN đầy tiềm năng, nhưng chỉ sau 3 năm “rầm rộ” triển khai, BHNN vẫn chỉ dừng lại là “thí điểm”.
Nhiều ý kiến cho rằng: BHNN chưa phát triển là do tiếng nói của nông dân và doanh nghiệp BH chưa gặp nhau, chưa hợp tác với nhau. Người nông dân thì e ngại những thủ tục rườm rà, lo công ty BH tìm cách làm khó trong bồi thường nên chỉ tham gia khi được… cho không. Còn phía doanh nghiệp BH thì than thua lỗ, lo ngại bị trục lợi...
Trước thực tế này, Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) lý giải, thị trường BHNN chưa phát triển một phần là do hiện nay chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác, giúp doanh nghiệp BH đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan. Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng còn thiếu quá nhiều điều kiện để đưa BHNN phát triển rộng rãi. Đó là chưa có khung pháp lý rõ ràng, chưa có cơ quan giám sát độc lập hay các đầu mối quản lý BHNN.
Để tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai BHNN, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ NNPTNT, đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện BHNN. Một trong những điểm mới là BHNN sẽ triển khai theo hướng không giới hạn đối tượng được bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai và thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Người nông dân phải đối mặn với thiên tai mất mùa lại quay lưng với BHNN

Thay vì mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, nhà nước hỗ trợ nông dân một phần kinh phí thì nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia BHNN để doanh nghiệp cùng gánh vác trách nhiệm với nhà nước, còn nông dân thì bớt trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Đã đến lúc Nhà nước cần nhìn nhận BHNN là một phương thức đầu tư, không phải là món quà từ thiện. BHNN chỉ có chỗ đứng khi cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi.
Tiêu điểm: “Bảo hiểm nông nghiệp – Kỳ vọng đổi mới”, Trang Trại Việt tập trung vào việc phản ảnh những khó khăn và bất cập trong chính sách BHNN. Đồng thời gợi mở những giá trị mà BHNN đã đem lại cho nông dân. Qua đó, góp thêm tiếng nói hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách BHNN tiếp tục có những đổi mới để nông dân Việt thực sự được trang bị thêm “tấm áo giáp”.

Trọng Đạt