Thời bánh khéo ngự trị xóm làng, các chị là những thôn nữ nằm lòng công dung ngôn hạnh. Nhà ai có đám giỗ, các chị vần công nhau làm bánh. Nhà này có khuôn bánh thuẫn thì nhà kia sắm khuôn bánh kẹp, nhà nọ thủ khuôn bánh bông lan… Ba thứ bánh còn chưa thỏa sức, các chị còn có khuôn ép bánh gai, thùng nướng bánh quai vạc, chưa đủ, phải sắm nhiều cái quả để đựng nhiều bánh. Vẫn chưa đủ, quả nhỏ cho giỗ nhỏ, quả lớn còn để giúp nhau khi nhà có hỏi có cưới. Đồ nghề của các chị ôi thôi, chật cả gác bếp.
Ngày Tết mới là lúc các chị trổ hết tài. Những cái việm bằng đất nung có tráng men sẫm được mua thêm, cây đánh trứng cũng được sắm thêm và, phải có trong nhà cái cân nhỏ để cân bột, cân đường cho chuẩn xác. Chuyện say mê của các chị kể hoài không hết vì đó là một phần lẽ sống của các chị một thời. Để hàng tuần ra làm bánh và trao đổi nhau, ấy mới chỉ phần bánh khéo. Còn phải dành cho bánh phồng nếp bánh phồng mì, rồi làm các thứ mứt và sau cùng là đêm ba mươi, bánh tét.
Chiến tranh leo thang, xóm làng tan tác, các chị thành vợ bộ đội vợ cán bộ, một số góa bụa, một số bận rộn chồng con kháng chiến và giúp các bà góa nuôi con. Món bánh khéo vắng bặt, đơn giản vì không còn tĩnh tâm để làm cái gì đó tỉ mẩn điểm tô cuộc sống. Sống nay biết nay, mai có thể không còn ở trên đời nữa. Vậy đó, các chị chưa già nhưng đành “rửa tay gác kiếm” sớm.
Sau hòa bình, chật vật bủa vây, gạo không dám làm bún nói chi làm bánh! Đường cát không thấy trên thị trường, lò cho ra toàn đường mía sao làm bánh khéo được? Nhà nào cũng giỗ, người chết đông nên giỗ càng đông nhưng món bánh khéo không hiện diện nổi. Cũng bánh nhưng là bánh hấp, bánh bò, bánh da lợn, bánh bèo, bánh ít, bánh tét, hết. Các chị bứt rứt, như thiếu cái gì, thôn xóm thiếu vắng điều gì vậy? Hình như đó là thiếu sự phong phú của bình an, phong lưu, nói chung là đứt gãy văn hóa.
Con gái các chị mau chóng thành những người mẹ trẻ. Chúng có làm bánh khéo bao giờ đâu mà biết. Đám giỗ đã có bánh đóng gói ở tiệm, người ta mua cho tiện và vừa túi tiền, đỡ mất công. Phụ nữ trẻ bánh hấp cũng không có thời giờ để làm, nói chi bánh nướng. Cứ thế, hễ giỗ là công thức cứng đơ cứ thế mà diễn: bánh ít bánh tét và bánh quy đóng gói, có cả bánh quy mết-đờ-in China!
Tự dưng khi đã xế chiều mấy chị ngồi khóc thương bánh khéo. Ừ, rảnh rồi, sao không nướng bánh như ngày xưa cho vui cửa vui nhà? Đồ nghề đâu còn, muốn “phục dựng” chúng phải ra chợ và phải có tiền. Thôi thì phiên phiến những thứ bánh ít công mà vẫn khéo: bánh kẹp ống, bánh bông lan, bánh quai vạc, bánh gan… Không cần những cái quả như xưa nữa, đã có sẵn hộp sắt tây dân thành phố thải về, thế là ngoài thì hộp Danisa nhưng ruột thì là bánh khéo đồng quê ai cũng tít mắt trầm trồ.
Thời buổi người quê cũng bắt đầu biết “Nói không với thực phẩm bẩn”, các chị càng có cớ để trở lại bánh nướng. Đâu như ngày xưa. Bột mì ngoài chợ, hàng nào bột mới biết liền, đường cát xuất khẩu trong gói có thương hiệu hẳn hoi, khỏi lo, trứng gà trứng vịt thì ôi thôi rẻ, vì vậy mà các chị đâu có ngán. Ngán nhất là nước cốt dừa cho những thứ bánh như bánh gan, bánh kẹp, giờ ngoài chợ cũng có máy ép nước cốt lấy liền, họ nạo dừa, bán cả nước dừa cho nấu ăn, ai muốn nước cốt ép đem về, chờ chút nghen! Quá thích, các chị bà ngoại bà nội và có cả chức bà cố nữa quá thích, thời đại gì cái gì cũng sẵn và cũng tiện, hay hết biết!
Các chị (nay là các bà lão) sống lại, vui hơn, trẻ ra, thích đám tiệc hơn. Để chi? Để được làm bánh khéo và được khen là già mà vẫn khéo!