dd/mm/yyyy

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý

Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào DTTS tại địa phương.

Clip: Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Hệ luỵ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu, còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Ở tuổi 16, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lẽ ra em Thào Thị Sênh, bản Bụa A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đang ngồi trên ghế nhà trường như bao chúng bạn cùng trang lứa, nhưng nay em đã là mẹ của đứa con vừa tròn 1 tuổi. Sau gần 2 năm về nhà chồng, giờ đây hạnh phúc lại dang dở, gánh nặng trên vai em là đứa con thơ, với giấy khai sinh chỉ có tên mẹ bởi hậu quả của việc tảo hôn, không đủ điều kiện đăng ký kết hôn, nên không có tên bố.

Bế trên tay đứa con thơ, em Thào Thị Sênh, bản Bụa A, xã Phiêng Ban, Bắc Yên, Sơn La, tâm sự: "Tôi đi lấy chồng lúc 15 tuổi, đang học lớp 10 dở, khi sống với nhà chồng tôi không được hạnh phúc, luôn bị nhà chồng ghét và bị chồng đánh đập, nên bây giờ tôi đã về sống với bố mẹ đẻ được 2 tháng nay. Tôi chưa học xong THPT, không biết sẽ làm gì để nuôi được con".

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý - Ảnh 2.

Sau gần 2 năm về nhà chồng, giờ đây hạnh phúc lại dang dở, em Thào Thị Sênh, bản Bụa A, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã về sống với bố mẹ đẻ cùng đứa con thơ. Ảnh: M.Lâu

Chị Mùa Thị Sáng, mẹ của em Thào Thị Sênh, bản Bụa A, xã Phiêng Ban, Bắc Yên, Sơn La, chia sẻ: "Rất khó khăn, con cái khóc lóc quay về, thương lắm nhưng tôi chỉ yêu thương, bao bọc, chăm sóc được lúc con còn nhỏ và nuôi nấng con lớn lên. Còn giờ đây nó đã có con và sau này về già tôi không thể chăm sóc, nuôi nấng mãi được".

Còn trường hợp chị Sồng Thị Máy, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị chỉ học hết lớp 3, bố mẹ bắt phải bỏ học để lao động, phụ giúp gia đình việc nhà. Năm 14 tuổi chị đi theo chồng, một năm sau chị sinh con đầu lòng, nhưng vì cơ thể mẹ non nớt, sức khỏe yếu nên sinh non và con qua đời sau 7 ngày tuổi. Đến nay, chị đã sinh thêm 2 người con, bé lớn học lớp 1. Chị Máy tâm sự: "Đi lấy chồng sớm khi tôi mới 14 tuổi, sinh con đầu lòng chỉ sống được 6-7 ngày tuổi thì mất; lấy chồng sớm khổ đủ đường, vừa phải lo cho chồng, chăm sóc con cái".

Đây là 02 trường hợp tảo hôn chúng tôi ghi lại được trên địa bàn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Theo thống kê, hiện nay dân số toàn huyện Bắc Yên (Sơn La) trên 70.000 người, với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, Dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số toàn huyện, đông nhất là dân tộc Mông với 46,3%. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn diễn ra rải rác tại một số bản, xã trên địa bàn huyện. Các trường hợp tảo hôn tập trung chủ yếu ở các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo kết quả rà soát, 9 tháng đầu năm 2023, Bắc Yên có 82 cặp tảo hôn, giảm 14 cặp so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, 78 cặp là dân tộc Mông, 2 cặp dân tộc Thái, 1 cặp dân tộc Mường và 1 cặp dân tộc kinh. Không có kết hôn cận huyết thống.

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý - Ảnh 3.

Chị Sồng Thị Máy, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, đi lấy chồng khi mới 14 tuổi. Ảnh: M.Lâu

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ dẫn đến tình trạng đói nghèo, thất học, bệnh tật, lạc hậu… mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh sản cũng như nhiều hệ lụy khác. Khi tìm hiểu, hầu hết các cặp vợ chồng tảo hôn chẳng hiểu gì về chuyện vợ chồng, mới quen nhau rồi đến với nhau, hoặc hai bên gia đình buộc kết hôn. Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng "nhí" không thể lo được cho cuộc sống của mình chỉ vì tuổi đời còn quá trẻ, có những cặp bố mẹ cho ra ở riêng sống được một thời gian ngắn thì ai về nhà nấy, khi chưa biết làm gì để lo cho cuộc sống gia đình và rồi nẩy sinh mâu thuận, cuộc sống đi vào bế tắc.

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: "tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, bên cạnh đó, đây cũng là những hành vi vi phạm pháp luật và trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là những hủ tục lạc hậu, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam; gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng dẫn đến đói nghèo, lạc hậu".

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý - Ảnh 4.

Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng dẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: mở lớp tập huấn cho già làng, trưởng bản, người có uy tín ở bản, tiểu khu, lồng ghép tuyên truyền trong các mô hình thi đua Dân vận khéo, các cuộc họp dân; các buổi ngoại khóa trong trường học, phát tờ rơi…về Luật hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, hệ lụy của việc tảo và hôn nhân cận huyết thống.  

Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: "Phía Phòng Dân tộc, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Tư Pháp, Trung Tâm Y tế tổ chức các hội nghị tuyên truyền, trước mắt là tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ bản, tiểu khu về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội thi đến các trường THCS, THPT về tác hại của tảo hôn và Luật hôn nhân gia đình".

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý - Ảnh 5.

Lồng ghép tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các mô hình thi đua Dân vận khéo, các cuộc họp bản. Ảnh: Nguyễn Vinh

Là đơn vị tích cực trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục Pháp Luật gắn với các mô hình thi đua Dân vận khéo, thời gian qua, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Bắc Yên đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của huyện tổ chức thực hiện các mô hình cụ thể, như: Mời khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân lồng ghép với các nội dung tuyên truyền về Luật nghĩa vụ quân sự, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, tạo sức lan tỏa đến từng hộ gia đình, nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên đáng kể.

Trung tá Phạm Văn Lương, Chính trị viên phó kiêm chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cho biết: "Đơn vị đã cử đội, nhóm, tổ công tác đến tận các gia đình có vợ chồng kết hôn cận huyết thống, lấy vợ chồng chưa đủ tuổi kết hôn. Đã xuống nhiều gia đình, đặc biệt là nhiều gia đình rất vui mừng, phấn khởi khi có lực lượng đến để tuyên truyền cho con, cháu họ hiểu ra và nhận thức được việc lấy vợ, lấy chồng sớm tuổi, chưa đến tuổi kết hôn và kết hôn cận huyết thống. Tập trung đi học để bảo đảm quá trình học tập, trưởng thành mới kết hôn. Kết hợp với đơn vị đi tuyên truyền những gia đình khác xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu này để sau này con cái có điều kiện học hành tốt hơn".

Vùng cao Bắc Yên nỗ lực giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tệ nạn ma tuý - Ảnh 6.

Cán bộ y tế xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) tuyên truyền về nội dung Dân số, KHHGĐ cũng như tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Ảnh: Nguyễn Vinh

Thời gian tới, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các chính sách dân tộc, Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường giáo dục giới tính trong trường học; vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc