dd/mm/yyyy

Bạc Liêu dành hơn 3.000 tỷ đồng nuôi tôm công nghệ cao

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt đề án xây dựng tỉnh này thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu đưa tỉnh này đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Mục tiêu thành tỉnh đi đầu trong nuôi tôm

Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển tỉnh Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú).

Dành hơn 3.000 tỷ đồng nuôi tôm công nghệ cao - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang xây dựng các mô hình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly

Theo kế hoạch phát triển của ngành thủy sản Bạc Liêu năm 2020, giá trị sản xuất tăng từ 25.055 tỷ đồng (năm 2019) lên 27.372 tỷ đồng (năm 2020), tăng thêm 225 tỷ đồng so với phương án đang thực hiện.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng, nơi có sức hút với các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm, các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước.

Từ đó, Bạc Liêu đặt ra trong năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32 - 35 tỷ con giống và đến năm 2025 là từ 40 - 45 tỷ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lân cận.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm là 147.900ha, với nhiều mô hình, như: Ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm - lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp;… với sản lượng 249.000 tấn. Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%), đến năm 2025 là 120.000 tấn. Tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73.000 tấn năm 2020 và năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh. "Năm 2025, phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước", đề án nêu rõ.

Đẩy mạnh liên kết

Để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bạc Liêu cũng hợp tác liên kết vùng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực,… với sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực của địa phương.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất cơ chế đặc thù lên Trung ương về tín dụng, vốn vay cho nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở cấp nông hộ; giữ vững và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…), các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ…).

Song song đó, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan xây dựng thương hiệu "tôm giống Bạc Liêu", "tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu"… với sản phẩm có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, số lượng và chất lượng đảm bảo, ổn định và người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án là hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó năm 2020 là 450 tỷ đồng, đến năm 2025 là hơn 2.550 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu.

Là một trong những tỉnh đi đầu về diện tích sản xuất, sản lượng và chất lượng tôm nuôi, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm sinh thái như nuôi tôm quảng canh, tôm - rừng, tôm - lúa… đã tạo nên con tôm "sạch", được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Nổi bật như mô hình tôm - cua – rừng, mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000ha áp dụng mô hình này, tập trung ở các địa phương ven biển như huyện Đông Hải, TP.Bạc Liêu, huyện Hòa Bình...


Chúc Ly