dd/mm/yyyy

Ảnh hưởng Covid-19, ai cũng kêu khổ mà ngành này vẫn giúp 4 triệu người có thu nhập cao, có nhiều triệu, tỷ phú

Đại dịch Covid-19 xuất hiện làm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam khốn đốn, phá sản nhưng các doanh nghiệp nuôi trồng, người chăn nuôi thủy sản vẫn duy trì được công việc và thu nhập. Trong đó, ở nhiều vùng có nhiều nông dân trở thành triệu, tỷ phú nhờ nuôi, trồng thủy sản.
Ảnh hưởng Covid-19, ai cũng kêu khổ mà ngành này vẫn giúp 4 triệu người có thu nhập cao, có nhiều triệu, tỷ phú - Ảnh 1.

Ảnh: Người dân thu hoạch tôm tại trang trại ở ngoài đê Bình Minh, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ

Việt Nam có chiều dài bờ biển trên 3.260 km và cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km bờ biển, vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 rộng gấp 3 lần đất liền với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Trường Sa và Hoàng Sa.

Đặc biệt, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học cao với hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện (khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.000 loài cá (trên 100 loài cá kinh tế), hơn 220 loài tôm biển và các loài rong biển, động vật phù du, thực vật ngập mặn, cỏ biển, thú biển, rùa biển và 43 loài chim nước) cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao.

Trong vùng nội địa, với 2.360 con sông (106 sông chính) và hệ thống suối phân bố khắp vùng núi, trung du, 12 đầm phá lớn nhỏ (tổng diện tích khoảng 458 km2), hệ thống hồ tự nhiên và 231 hồ chứa lớn (diện tích 34.600 ha); các loài thủy sản phân bố rộng, đa dạng và phong phú với nhiều nhóm loài gồm 1.438 loài vi tảo nước ngọt; hơn 800 loài động vật không xương sống; 1.027 loài cá nước ngọt trong đó có nhiều loài là nguồn lợi thủy sản quý đang được khai thác phục vụ sinh kế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Với những đặc trưng này tạo đã nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam cho việc phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biền Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 12/12 do Bộ NNPTNT phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn năm 2010-2020, giá trị sản xuất ngành Thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm.

Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,77 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

"Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công văn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa", Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Đa dạng sinh học biển, trọng tâm là các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bảo vệ các hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ cấp thiết không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.

Ảnh hưởng Covid-19, ai cũng kêu khổ mà ngành này vẫn giúp 4 triệu người có thu nhập cao, có nhiều triệu, tỷ phú - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hiệu (61 tuổi) ở xóm 10, xã Chất Bình, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã nuôi thành công con rươi-loài vật thuộc lớp giun nhiều tơ trông như con rết biết bơi này. Mỗi kg rươi, ông Hiệu đang bán với giá gần 500 ngàn đồng.

Duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, suy thoái các hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản; tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cả ngoài biển và trong vùng nội địa, chịu sức ép lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế và du lịch.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đối với ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với mục tiêu chung là bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế thủy sản, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển và nội đồng theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: Trong 10 năm qua, Bộ NNPTNT đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ đã chỉ đạo, thực hiện lập quy hoạch chi tiết 16 khu bảo tồn biển và bàn giao cho các địa phương để thành lập theo thẩm quyền. Bộ đã chỉ đạo, triển khai hàng loạt các dự án về điều tra nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái cửa sông, ven biển, ven đảo, đầm phá và trong vùng nội địa, thả giống tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá loài có giá trị kinh tế, loài bản địa (từ năm 2012 đến năm 2020) với xu hướng tăng liên tục từ năm 2010 đến nay.

Đồng thời Bộ cũng đã điều tra, xác định và ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống.

Sau khoảng 10 năm triển khai thực hiện 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống khu bảo tồn biển đã được thiết lập với 12/16 khu bảo tồn biển được thành lập và đã bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, việc điều tra nguồn lợi thủy sản được thực hiện làm cơ sở để hoạch định chính sách phát triển, xây dựng các quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản cả ở ngoài biển và trong vùng nội đồng.

"Những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập công đồng ngư dân, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Hải Đăng