Gần 30 năm tìm kiếm sao la
Cuối tháng 5, cơn mưa rừng đổ xuống, trời tối, đường trơn, nhưng anh Thắng, 46 tuổi, nhân viên Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cùng bốn người khác vẫn đi vào rừng đặc dụng. Chuyến đi của họ kéo dài 8 ngày, mỗi người cho máy bẫy ảnh, gạo, thức ăn, túi ngủ, võng, áo quần... chất đầy ba lô nặng hơn 20 kg.
Mỗi người mang đôi dép quai rọ, đi đôi tất bằng vải ngăn vắt, sên hút máu. Họ men theo con suối, hai bên là cây rừng nguyên sinh rậm rạp, ẩm ướt, tiếng chim, muông thú phát ra inh ỏi. Từ đây, mọi người mất liên lạc, không có sóng điện.
Sau bữa ăn sáng, anh Thắng cùng đồng nghiệp tay cầm cây rựa, khoác ba lô đi đặt bẫy ảnh. Họ luồn qua cây rừng chằng chịt, dây leo, gai nằm xếp lớp, cơ thể bị vắt, sên bám vào cắn bật máu tươi.
Trong rừng già, anh Thắng không cần la bàn, bản đồ vì đã thuộc đường như lòng bàn tay. Chỉ cây rựa trên tay, anh làm công việc theo một lập trình có sẵn đi đặt bẫy ảnh - mỗi cái cách nhau 2 km. Vị trí đặt bẫy là những nơi ít cây mọc để có khoảng không gian cho camera chụp.
Để có thể chụp được hình ảnh con sao la (cao khoảng 0,9 m), một kiểm lâm phải quỳ, bò xuống đất để người khác căn chỉnh bẫy ảnh. Bẫy sau đó được gắn vào gốc cây và khóa chặt, theo chu kỳ hai tháng thay pin và thu thẻ nhớ lấy dữ liệu. "Lịch trình là như vậy nhưng vài ngày phải đi kiểm tra xem có người phá, xê dịch hoặc lá cây rụng xuống che khuất", anh Thắng nói.
Trưa đến, 5 bẫy ảnh được gắn xong, nhóm anh Thắng dừng chân bên suối nấu ăn. Thức ăn gồm cá khô, thịt ướp muối sẵn để nguyên trong nồi, mỗi người lấy một hòn đá làm ghế ngồi xung quanh. Bữa cơm ăn vội, họ tiếp tục lên rừng làm việc đến khi trời chập tối.
Màn đêm buông xuống, bên bãi đất ven suối tương đối bằng, cả nhóm dựng lán ngủ qua đêm. Mùa hè, nhưng nhiệt độ trong rừng nguyên sinh chỉ 20 độ C, ai cũng phải chui vào túi ngủ giữ ấm. "Mùa nắng đi tuần tra còn đỡ, đến mùa mưa nhiệt độ lúc nào cũng 10 độ C, để chống lại giá lạnh, bếp lửa cháy xuyên đêm mới chợp mặt nổi", anh Thắng chia sẻ.
Sau hai ngày, nhóm anh Thắng cùng đồng nghiệp đặt xong 30 bẫy ảnh. Họ lại chia nhau đi tuần tra bảo vệ rừng kết hợp nhặt phân của động vật hoang dã và bắt sên, vắt. Một ngày, mỗi người bắt 2.000 con sên, vắt mang về xét nghiệm xác định trong khu vực này có sao la sinh sống hay không.
Trung bình mỗi tháng, anh Thắng ở trong rừng 20 ngày nên không có nhiều thời gian gần gia đình. Có lần vợ anh Thắng bảo chồng "cặp bồ" vì ghen tỵ anh dành thời gian cho rừng nhiều hơn họ. Anh chỉ cười trừ rồi rời nhà đi vào rừng. "Cứ vài hôm không ở rừng tôi lại lo những bẫy ảnh bị phá hay hết pin, cây rừng che khuất. Vì thế, tôi phải vào kiểm tra", anh giải thích.
Quê ở xã Ba, huyện Đông Giang, từ nhỏ đã chứng kiến nhiều người chặt phá, săn bắt động vật hoang dã, anh Thắng ao ước trở thành kiểm lâm để bảo vệ rừng. Năm 1995, anh tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp và làm kiểm lâm ở huyện miền núi Tây Giang, nơi có diện tích rừng được bảo vệ tốt nhất tỉnh Quảng Nam.
Anh Thắng chia sẻ sau 7 năm ăn ở trong rừng, ngày 27/9/2013 lần đầu tiên chiếc bẫy ảnh do anh đặt chụp được một bức ảnh đen trắng con sao la đang đi ăn. "Hôm đó không chỉ tôi mà cả khu bảo tồn vui mừng, vì công sức, tiền của bỏ ra đã có kết quả", anh kể.
Phát hiện được công bố tại hội nghị thường niên của Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu (WWF), tổ chức tại Thụy Sĩ. Một hy vọng mới về việc bảo tồn loài động vật đặc hữu quý hiếm này lại được thắp lên, song song với việc hồi sinh những cánh rừng Trung Trường Sơn ở Việt Nam và Lào. Nhiều tạp chí, tờ báo nổi tiếng thế giới đã cử người đưa tin sự trở lại của loài.
Là thành viên trong nhóm tuần rừng, anh Ating Đông, 35 tuổi, Tổ quản lý bảo vệ rừng Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, đã hơn 10 năm ở trong rừng. Anh kể nghề này đối diện với nhiều nguy hiểm. Năm 2014, trong một lần tuần tra ở tiểu khu 34, anh gặp mưa lũ kéo dài. Lương thực, thực phẩm mang theo hết sạch, trong khi nước dâng vây quanh ngọn núi, không còn lối ra.
Để có cái lót dạ, nhóm 5 người ăn rau rừng, củ chuối. Đến ngày thứ hai, mưa lớn tiếp diễn, lán trại bị cuốn trôi. "Ở trong rừng thì chết đói nên họ cắt nhỏ tấm bạt, bỏ áo quần vào, thổi khí vào buộc chặt. Khi thả xuống nước nó giống như một phao cứu sinh để bơi qua sông", anh nhớ lại.
Anh Đông và bốn người đang bơi bị nước cuốn nhưng may mắn níu được vào cây rừng đổ xuống suối thoát chết. Họ băng rừng tìm đến nhà dân và được nấu cho ăn. Năm 2016, ba người ở khu bảo tồn bị rắn độc cắn, anh em thay nhau gánh gần một ngày mới ra khỏi rừng đi cấp cứu. Mỗi chuyến đi rừng bị té ngã, vắt, sên bám đầy chân chảy máu là chuyện bình thường.
Ám ảnh nhất của những người tuần rừng như anh Đông là bị đau bụng, bởi nhiều lúc đi giữa rừng, nước suối đun sôi mang theo không đủ, đành phải uống nước khe. Gặp được nước là mừng, không kể sạch hay bẩn. Uống loại nước này mất vệ sinh nên bị đau bụng, tiêu chảy nhiều ngày.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, cho biết từ năm 2013 đến nay các nhân viên chưa ghi lại được bức ảnh nào, song công việc không ngừng nghỉ. Khu bảo tồn có 6 tổ, với gần 50 người tuần tra bảo vệ rừng. Hàng tháng, mỗi người phải đảm bảo 16 ngày ở trong rừng tháo dỡ bẫy thú, đặt bẫy ảnh, thu thập các dấu hiện của động vật đưa để phân tích AND.
"Mỗi người sẽ được trang bị máy đánh dấu tọa độ, quá trình đi sẽ giám sát theo dõi ngày công", ông nói.
Sao la có danh pháp khoa học Pseudoryx nghetinhensis hay còn được gọi là kỳ lân châu Á, là một trong những loài thú hiếm nhất thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào. Đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao, được xếp hạng ở mức nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong sách đỏ của Việt Nam.