dd/mm/yyyy

Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, gạo Việt duy trì đà tăng

Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường từ ngày 20/7, song vẫn có một số trường hợp được phép tiếp tục xuất hàng đi. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp.

Ngoài ra, những lô hàng đã được chuyển cho hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8.

Trường hợp lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó sẽ vẫn tiếp tục được xuất khẩu.

Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường - Ảnh 1.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao.

Tại Ấn Độ, mưa gió mùa được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế, cung cấp 70% lượng nước tưới tiêu cho các nông trại. Tính đến ngày 14/7, nông dân đã gieo trồng 12,3 héc-ta lúa vụ hè, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái do đợt mưa gió mùa đến muộn nhất trong 4 năm qua. Sự phân bố không đồng đều trong năm nay đã tạo ra những rủi ro mới với cây trồng. Một số bang ở phía Bắc và Tây Bắc Ấn Độ nhận được mưa quá lớn, trong khi khu vực phía Nam và Đông hoàn toàn khô ráo.

Theo dữ liệu từ Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), chỉ một phần ba nước này tính đến nay nhận được lượng mưa ở mức bình thường. Trong khi đó, khoảng 34% diện tích có lượng mưa thiếu hụt và 32% lượng mưa quá mức. Tại một số bang, lượng mưa lớn đã làm hư hại cây trồng, khiến nhiều nông dân có thể phải gieo trồng lại.

Lo ngại về nguồn cung cùng với việc giá lương thực nội địa tăng cao khiến Chính phủ Ấn Độ cân nhắc việc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo của nước này. Là quốc gia chiếm đứng đầu về thương mại gạo toàn cầu, quyết định của Ấn Độ sẽ không chỉ khiến giá tiếp tục tăng mà còn tạo ra khoảng trống thị trường tiềm năng cho Việt Nam và Thái Lan.

Đối với Việt Nam, triển vọng nguồn cung cũng không quá tích cực. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam dự đoán 70-80% khả năng mô hình El Nino sẽ phát triển vào giữa năm 2023 và kéo dài sang năm 2024. Dựa trên ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, khoảng 10 đến 15 nghìn héc-ta diện tích vụ thu của nước ta có thể đối mặt với nguy cơ khô hạn, khan hiếm nước, xâm nhập mặn.

Trong báo cáo mới nhất, chi nhánh của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tại Hà Nội đã dự báo sản lượng gạo thô niên vụ 2023/24 của nước ta sẽ giảm nhẹ xuống còn 43,04 triệu tấn, từ mức 43,15 triệu tấn trong niên vụ trước do ảnh hưởng của El Nino đối với cây trồng.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt Nam (Sở Giao dịch Hàng hóa-MXV), cho biết: “Trong thời điểm hiện tại, nguồn cung vẫn là mối lo ngại hàng đầu của thị trường. Động lực tăng của giá gạo trong năm nay sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính phủ Ấn Độ, và ảnh hưởng của mô hình thời tiết El Nino tới các nước sản xuất lớn. Bên cạnh đó, tình hình chính trị thế giới bất ổn cũng là yếu tố khó lường và có thể chuyển dịch cơ cấu thương mại toàn cầu”.

“Với tình hình các nước ráo riết tích trữ gạo, cùng với những tình hình xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen lại một lần nữa bị đóng băng sau khi kết thúc thỏa thuận, giá gạo dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo nguồn cung để có thể phục vụ cho những đơn hàng đã ký kết và tận dụng các chương trình Xúc tiến thương mại để có thể mở rộng thị phần, củng cố vị thế hàng đầu của gạo Việt trong giai đoạn này”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 57% so với tháng 5/2022. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Tính trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng 32% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngày với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.

Được biết, tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo các thương lái, hiện nay lượng gạo về nhiều, giá gạo các loại neo cao. Nhu cầu và sức mua tốt. Thị trường lúa giao dịch ổn định, nhiều địa phương thu hoạch rộ lúa hè thu, giá lúa các loại tăng cao. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 21/7 duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 528 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 508 USD/tấn.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đã đẩy mạnh dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Chẳng hạn, cuối tháng 3, Indonesia dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2023 nhằm nâng dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn như hiện nay. Mới đây, Malaysia cũng công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 150.000 tấn gạo do nhu cầu năm nay dự báo sẽ cao hơn năm ngoái. Một số quốc gia ở châu Á và châu Phi có thể sớm phải đối mặt với tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng khi giá tiếp tục tăng mạnh.

Nguyễn Phương