Theo đuổi đam mê trồng rau sạch
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Huỳnh Nghiệp được xây dựng năm 2017, với tổng diện tích hơn 3ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng. Vườn trồng nhiều loại rau khác nhau như: xà lách, cải, rau muống,… cung cấp cho các nhà hàng và siêu thị trên địa bàn.
Anh Nghiệp cho biết, lúc bắt đầu làm mô hình gặp rất nhiều khó khăn, bởi không đủ vốn đầu tư làm giàn nhà lưới thủy canh. Trong khi đó, rau cũng khó tiêu thụ vì trên thị trường có nhiều nguồn cung ứng, mà mô hình mới chưa được biết đến, khó thâm nhập vào thị trường. Ban đầu chưa quen việc nên cũng mất nhiều thời gian trong khâu chăm sóc.
“Thời tiết tại đây cũng không thuận lợi khiến cây sinh trưởng kém, năng suất thấp, nhiều lần bị hư hỏng dẫn đến mất trắng. Không chấp nhận thất bại, tôi tiếp tục vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm…” - anh Nghiệp tâm sự.
Được biết, trước khi mở mô hình anh Nghiệp đã sang Thái Lan học hỏi kinh nghiệm vì trồng rau thủy canh đòi hỏi kỹ thuật cao, chất dinh dưỡng và hạt giống cũng được nhập từ nước ngoài về.
Mô hình này áp dụng công nghệ nước ngoài từ giống cho đến khâu chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho cây, không bị dư hàm lượng nitrat. Bên cạnh đó, nguồn nhân công cũng không cần nhiều, giảm thời gian cải tạo đất, an toàn và ít sâu bệnh, chống được mưa, lũ.
Thay vì trồng bằng đất thì anh Nghiệp lựa chọn trồng rau bằng xơ dừa và xốp. Xơ dừa sau khi được mua về phải qua xử lý ngâm qua nước để bớt nước chua.
Sau đó được cho vào rọ nhựa chuyên trồng cho rau thủy canh, giống được gieo trồng 3 ngày trong nhà kính cho đến khi mọc đều mới mang ra giàn thủy canh.
Mỗi ngày anh gieo giống khoảng 2 giàn thủy canh và chăm sóc rau ở ngoài vườn. Giống khi đưa ra giàn thủy canh được tưới nước dinh dưỡng hòa chung với nước bằng hệ thống hiện đại.
Thu lãi hơn 600 triệu/năm
Theo anh Nghiệp, rau trồng bằng mô hình thủy canh cũng giống như rau được trồng dưới đất, nhưng thời gian rút ngắn hơn từ 5-10 ngày, ít tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch khoảng từ 20-40 ngày tùy theo loại.
Đến nay, sản phẩm rau của anh Nghiệp đã có mặt tại các nhà hàng và siêu thị trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng. Với giá bán 50.000 đồng/kg (tùy loại rau), giá xuất cho tiểu thương khoảng 40.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày anh xuất ra 1 giàn rau thủy canh (khoảng 70kg) có giá gần 3 triệu đồng. Mỗi tháng đem lại nguồn thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, trung bình mỗi năm anh Nghiệp lãi hơn 600 triệu đồng. Vì không tốn thời gian để cải tạo đất nên mỗi năm anh Nghiệp làm được 13 lứa, đem lại thu nhập ổn định.
Anh Nghiệp chia sẻ thêm, làm rau thủy canh thì bản thân mình phải như một chuyên gia vì phải chăm sóc kỹ càng, sao cho dinh dưỡng không bị thừa mà cũng không thiếu, đúng với quy chuẩn, khi bị sâu bệnh thì cũng biết cách phòng tránh. Trong thời gian tới, anh muốn mở rộng thêm quy mô để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng muốn tư vấn, hỗ trợ cách làm rau thủy canh lại cho người dân tại địa phương.
“Hiện nay, rau tại vườn của tôi đã được chứng nhận an toàn thực phẩm và tôi cũng đã xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Tôi mong rằng có thể mở rộng quy mô để tạo được việc làm cho người dân tại địa phương. Ngoài ra, tôi cũng tham gia vào hợp tác xã Thái Sơn 2 và Hội khởi nghiệp sáng tạo thị xã Điện Bàn để có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho những người trẻ muốn khởi nghiệp….” - anh Huỳnh Nghiệp cho hay.