dd/mm/yyyy

8.000m2 đất trồng chè sạch cho lợi nhuận nửa tỉ đồng/năm

Nhà có 8.000m2 đất trồng chè sạch, mỗi năm gia đình ông Lê Quang Nghìn, người dân tộc Ngái, ở xóm Hồng Thái 2 (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) thu được hơn nửa tỷ đồng/năm.

Ông Nghìn không giấu giếm: "Từ hơn 10 năm gần đây, gia đình tôi có hơn 1.200kg chè sạch bán cho người tiêu dùng, trong đó có 50kg chè đinh, 150kg chè tôm nõn và hơn 1.000kg chè móc câu. Hiện có nhiều cửa hàng bán chè ở TP Thái Nguyên và Hà Nội đặt mua chè của gia đình thường xuyên".


Ông Lê Quang Nghìn (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với các hộ làm chè Tân Cương về kinh nghiệm sản xuất chè sạch theo quy trình UTZ

Được biết sản phẩm chè sạch của ông Nghìn có 3 sản phẩm chính, gồm chè móc câu truyền thống, chè đinh và chè tôm nõn. Chè móc câu có giá bán 350.000 đồng/kg; chè tôm nõn có giá bán 550.000 đồng/kg; chè đinh có giá bán 2,8 triệu đồng/kg. Ông chủ yếu làm theo đơn đặt hàng nên trong nhà không có sản phẩm tồn đọng.

Bên bàn trà được đặt ở khoảng sân trước nhà, chúng tôi cùng nhâm nhi ly nước ấm nóng, mang thoảng thơm tinh hoa trời đất tụ lại. Từ đây, có thể nhìn bao quát một vùng đồi đất cõng đầy trên lưng những hàng chè, trong đó có những vạt chè của nhà ông Nghìn. Chè được trồng thành từng khoảnh, đều tắp, lựa thế đồi dốc uốn hàng như hình những đoàn tàu nằm trả hàng ở sân ga.

Ông Nghìn mộc mạc: "Theo như lời của cụ thân sinh ra tôi, thì ngày xưa đất này toàn rừng rú, được các cụ khai khẩn trồng cây sắn, cây mố lấy lương thực ăn. Rồi khi ông Đội Năm mang hạt chè giống về, vận động bà con cùng trồng, làm ra chè cánh hạc, thơm ngon nức tiếng một thời…".

"Trước đây, mất cả ngày tôi mới tưới xong 1 lô chè. Còn bây giờ, bật công tắc, ngồi uống trà với khách, xem các vòi rồng phun nước trắng xóa khắp đồi. Từ chủ động được nguồn nước tưới, nên có chè thu hoạch quanh năm. Nhưng để cây chè có tuổi thọ cao, tôi thực hiện cúp đốn tán lần lượt theo từng lô, bảo đảm cho cây chè có thời gian nghỉ ngơi, lấy sức nảy búp".
Ông Lê Quang Nghìn

Giây lát dừng lời, ông Nghìn chiêu ngụm trà như một nghệ nhân sành ẩm. Tôi biết, đó là cách ông được học từ các lần tham gia tập huấn do cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố mở, hướng dẫn cho nông dân làm du lịch. Đoạn ông thở phào: Từ lúc mới lọt lòng mẹ, tôi đã thấy quanh nhà toàn cây chè. Chè do các cụ thân sinh ra tôi trồng, rồi để lại làm của hồi môn cho con, cháu.

Thực tế thì cây chè đã nuôi sống 3 đời nhà ông Nghìn. Vì ngoài chè, gia đình ông Nghìn không có khoản thu nào khác. Cũng vì thế mà gia đình ông Nghìn thiết kế nương chè rất bài bản. Chè được trồng thành từng lô khác nhau, giữa các lô chè có đường đi lại để tiện việc chăm bón, thu hái và vận chuyển chè tươi về nhà sao xấy. Ở chân đồi, ông thuê máy đào thành ao chứa nước rộng gần 1.000m2, bảo đảm đủ nước tưới chống hạn cho chè. Đầu tháng 2/2017, ông Nghìn vừa đưa vào sử dụng hệ thống bơm tưới tự động với trị giá đầu tư hơn 50 triệu đồng.

Chứng kiến quy mô sản xuất chè của ông Nghìn, tôi chắc chắn ai cũng lấy làm thú vị. Cũng theo ông Nghìn thì trước kia, các hộ trồng chè vùng Tân Cương thường phun thuốc trừ sâu và sử dụng phân bón theo “yêu cầu” của người mua chè. Nhưng từ gần 10 năm nay, các nhà khoa học tìm về, cùng đồng hành với nông dân bằng việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn.

Là một trong những nông dân vùng chè đi đầu phong trào sản xuất an toàn, ông Nghìn nghĩ lại: "Ban đầu cũng lo lắm, vì sản xuất chè thep quy trình VietGAP, lượng phân bón và thuốc trừ sâu giảm rất nhiều so với trước, lo chè không có năng suất. Nhưng làm rồi, thấy hay, giảm chi phí khá lớn mà không ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng chè lại cao hơn".

Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Năm 2014, ông Nghìn tự đến Hợp tác xã Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) học hỏi, và áp dụng quy trình trồng chè sạch UTZ (tiêu chuẩn chè sạch quốc tế) trên toàn bộ diện tích chè của gia đình. Cũng vì thế, hương chè nhà ông Nghìn được nhiều người biết đến.

Tổng hợp