Theo ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu: Từ đầu năm đến nay, Yên Châu đã tổ chức được gần 140 lớp tập huấn khuyến nông tự nguyện cho gần 7.000 lượt người tham gia với nhiều nội dung tập huấn thiết thực: Phòng tránh đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP; Sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng… "Những kiến thức này giúp nông dân cải thiện thu nhập, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Khi dân no ấm thì NTM sẽ phát triển hơn" – ông Điện bảo vậy.
Bên cạnh những lớp khuyến nông tự nguyện, Phòng Nông nghiệp huyện còn phối hợp với các đơn vị chức năng trong tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức hàng chục lớp hội thảo cho hàng trăm lượt nông dân về những phương pháp sản xuất theo hướng VietGAP: Rau an toàn, xứ lý chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế nông sản; thâm canh xoài, nhãn; tưới ẩm công nghệ mới; sản xuất nông sản trái vụ…
Huyện cũng đã chủ động bố trí ngân sách đầu tư xây dựng nhiều mô hình khuyến nông thiết thực với tình hình nông dân – nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn: Trồng cây dược liệu tại xã Mường Lựm; trồng xoài tròn ứng dụng công nghệ tưới ẩm tại xã Viêng Lán; nhà lưới trồng rau thủy canh tại xã Sập Vạt; trồng bơ tại các xã: Chiềng Đông, Yên Sơn, Phiêng Khoài; trồng chanh leo, lê xanh, măng tây, me ngọt, lúa tẻ giống mới…
Lão nông Phạm Văn Đê – bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn – một trong những xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Yên Châu, tâm sự: Nhà nước bây giờ quan tâm đầu tư cho nông dân rất nhiều. Không chỉ có đường giao thông, có điện sản xuất, có kênh mương tưới tiêu nước chủ động; có cây – con giống mới năng xuất cao mà nông dân chúng tôi bây giờ được đào tạo nhiều hơn cả về kinh nghiệm sản xuất cũng như hiểu biết chính trị, xã hội. Vì thế, chúng tôi mới có kiển thức để làm giàu cho mình và xây dựng xã, bản văn hóa. Tôi thấy NTM bây giờ là khát vọng của nông dân chúng tôi và chúng tôi sẽ xây dựng NTM vì chính quyền lợi lâu dài của mình.