dd/mm/yyyy

Xuất khẩu vải thiều không “ngán” quy định mới của Trung Quốc

Việc Trung Quốc yêu cầu nông sản xuất khẩu phải được truy xuất nguồn gốc đang đòi hỏi các nhà vườn, doanh nghiệp, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải phối hợp để mã hóa các vùng trồng. Đối với các vùng trồng vải thiều, công việc này đã được thực hiện từ năm 2018 và sẽ tiếp tục mở rộng trong vụ vải thiều năm nay.

Hóa giải nỗi lo truy xuất nguồn gốc

Theo danh sách của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tính đến thời điểm này, đã có 149 vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương và 2 vùng trồng vải thiều của tỉnh Hưng Yên được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang, đã có 36 vùng trồng vải thiều đã được mã hóa; thông qua hệ thống tem nhãn QR code, Hải quan Trung Quốc có thể dễ dàng tra cứu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Ví dụ, tra sản phẩm mang mã số VN - BGOR - 0010 trên máy tính thông minh sẽ cho ra kết quả vải thiều được sản xuất tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).

Trong khi đó, huyện Lục Nam (Bắc Giang) xây dựng được hơn 100 mã số vùng trồng vải thiều, với những địa chỉ cụ thể đến tận thôn, bản.

Được biết, ngay khi Trung Quốc có quy định từ ngày 1/4/2018 hàng hóa nông sản xuất khẩu vào thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc, tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương của nước bạn thực hiện một cách hiệu quả. Vụ vải năm 2018, phía tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vải Việt Nam một mã vạch sản xuất riêng, thể hiện đầy đủ tên sản phẩm, tên doanh nghiệp nên quy định mới của nước bạn không hề gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Theo TS.Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), truy xuất nguồn gốc là yêu cầu của bất kỳ thị trường nhập khẩu nào vì vậy việc xây dựng mã số vùng trồng đảm bảo cho việc truy xuất là vô cùng cần thiết. Trong đó, một số tỉnh như Bắc Giang, Sơn La đã rất chủ động trong việc này, giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản dễ dàng.

Tỉnh Hải Dương cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu. Thống kê cho thấy, đến nay, đã có 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương đã được mã hóa, chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Thanh Hà.

Được biết, năm 2018, Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đã triển khai cho các huyện, thành phố đăng ký các vùng trồng và cơ sở đóng gói để gửi về Cục Bảo vệ thực vật tiến hành cấp mã số. Đến tháng 4/2019, Hải Dương có 40 vùng trồng 4 loại trái cây tươi: vải, nhãn, chuối, dưa hấu và 2 cơ sở đóng gói được cấp mã số và được Trung Quốc chấp thuận. Như vậy, vụ vải thiều năm 2019, vải Thanh Hà không cần phải lo ngại đến vấn đề truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

Chủ động trước sự biến động thị trường

Trước những thay đổi trong chính sách quản lý xuất nhập khẩu của thị trường Trung Quốc từ 1/5/2019, tỉnh Hải Dương cũng đã chủ động thông tin, tuyên truyền những thay đổi đó để người dân, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

Theo đó, tỉnh đề nghị các địa phương có vùng trồng trái cây xuất khẩu tăng cường chỉ đạo người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP và bảo đảm thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, dán tem nhãn… theo hướng dẫn và yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.

Các doanh nghiệp, người dân trồng vải bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. T.L
Các doanh nghiệp, người dân trồng vải bước đầu đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. T.L

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, chủ động liên hệ, đặt hàng, thu mua nguồn nguyên liệu ở các vùng trồng đã được cấp mã số; chủ động lựa chọn và sử dụng bao bì, tem nhãn dán lên sản phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc; chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc được Hải quan Trung Quốc chấp thuận.

Ngành nông nghiệp Hải Dương cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn có vùng trái cây xuất khẩu Trung Quốc cung cấp thông tin về vùng trồng, về cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đến nông dân và doanh nghiệp thu mua để việc tiêu thụ được thuận lợi; chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo thuận lợi về giao thông, bến bãi cho doanh nghiệp thu mua và vận chuyển trái cây xuất khẩu; tiếp tục đăng ký, đề nghị cấp mã số cho các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói.

Các doanh nghiệp nếu khó khăn trong quá trình cấp mã số vùng trồng có thể liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn và nếu vướng mắc trong việc đóng gói, tem nhãn sản phẩm, có thể liên hệ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) để được hướng dẫn. Hiện nay, thông tin về các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số đều được cập nhật trên trang thông tin của Cục Bảo vệ Thực vật, người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu.

Theo thống kê, tỉnh Hải Dương còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận. Nếu các thủ tục hoàn tất, cơ hội xuất khẩu chính ngạch của các sản phẩm trái cây của Hải Dương sang Trung Quốc sẽ rộng mở hơn. Ước tính, vụ vải năm 2019, Hải Dương sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn.

Những thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc cho thấy, nếu bản thân người dân, doanh nghiệp không tự thay đổi thì rõ ràng những cơ hội sẽ không đến lần hai. Thực tế, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả những tháng đầu năm 2019 sang thị trường Trung Quốc đã có sự sụt giảm vì sự biến động này.

Theo Bộ NNPTNT, năm 2018, xuất khẩu (XK) rau quả sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017. Nhưng đến hết quý I/2019, XK rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Dự báo kim ngạch XK rau quả Việt Nam năm 2019 chỉ tăng 0,8% so với năm 2018, nguyên nhân chủ yếu do thị trường lớn Trung Quốc tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư XK, kiểm tra chất lượng tại nước XK...

Anh Thơ