Công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, dù xuất khẩu liên tục tăng trưởng nhưng hoạt động chế biến trái cây trong nước còn hạn chế cả về chủng loại và sản lượng. Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm đồ hộp như dứa, vải nước đường, nước quả; sản phẩm đông lạnh gồm có dứa, vải, trái cây nghiền, cô đặc hoặc chiên, sấy, muối…
Sơ chế, phân loại trái xoài trước khi đưa ra thị trường ở huyện Chợ Mới (An Giang). Ảnh: T.H
Gửi hồ sơ tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” trước ngày 30.3.2018 NTNN |
Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất bảo quản và chế biến còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến còn chậm, sản phẩm chế biến chất lượng chưa cao, khó đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…
Về công nghệ và thiết bị chế biến, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến trái cây do Liên Xô hoặc các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây đầu tư, nên công nghệ và thiết bị chế biến đã lạc hậu, chủ yếu là đồ hộp hoặc nước giải khát. Các cơ sở này phần lớn đều đã phải ngừng hoạt động vì phá sản hoặc hoạt động cầm chừng do không thể cạnh tranh.
Vì sao doanh nghiệp "chùn tay"?
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất khẩu trái cây từ lâu, với giá trị thu về hàng chục triệu USD nhưng vẫn “chơi bài” gom hàng từ nhà vườn dạng thô rồi chở thẳng ra cảng xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, việc xây dựng nhà máy chế biến còn nhiều khó khăn, phần vì thiếu vùng nguyên liệu tập trung, phần vì cơ sở hạ tầng còn “lôm côm”, khó cho việc vận chuyển hàng hóa từ nhiều nơi về nhà máy chế biến.
Ông Hà Huy Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex, cho rằng, nông sản Việt Nam rất khó cạnh tranh bằng sự khác biệt, do trình độ công nghệ sinh học còn hạn chế, hoặc do thổ nhưỡng… Thay vào đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu cạnh tranh về giá nhưng các chi phí trung gian còn cao. Ví dụ như chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một trong những khó khăn khiến việc đầu tư cho chế biến sâu còn hạn chế.
“Đơn cử như chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ nhà máy tại Bình Dương ra cảng TP.HCM mất 130 USD và 80 – 10 USD phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Trong khi cũng container này chỉ chịu cước phí tàu biển sang Malaysia là 40 USD, thậm chí không mất phí nếu đi cảng phía Nam Trung Quốc. Chi phí cao dẫn đến giá thành cao, tính cạnh tranh thấp”- ông Thắng nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM là địa phương phát triển, năng động bậc nhất cả nước về ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn chùn tay khi đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân một phần do cơ sở hạ tầng, logistics nơi đây còn chưa hoàn thiện.