dd/mm/yyyy

Xuất khẩu tỉ “đô” nhưng sao doanh nghiệp lại ngán?

Trong khi kim ngạch xuất khẩu trái cây ngày càng tăng cao nhưng ngược lại, số nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây ăn trái tại Việt Nam vẫn rất hạn chế, nhiều nơi còn dùng công nghệ chế biến, bảo quản từ thời Liên xô cũ. Vì đâu doanh nghiệp “chùn tay” trước việc đầu tư công nghệ vào lĩnh vực này?

Công nghệ chế biến, bảo quản lạc hậu

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin, dù xuất khẩu liên tục tăng trưởng nhưng hoạt động chế biến trái cây trong nước còn hạn chế cả về chủng loại và sản lượng. Các sản phẩm quả chế biến hiện nay chủ yếu gồm đồ hộp như dứa, vải nước đường, nước quả; sản phẩm đông lạnh gồm có dứa, vải, trái cây nghiền, cô đặc hoặc chiên, sấy, muối… Trong đó tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%, sau đó là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

Sơ chế, phân loại trái xoài trước khi đưa ra thị trường ở huyện Chợ Mới (An Giang).
Sơ chế, phân loại trái xoài trước khi đưa ra thị trường ở huyện Chợ Mới (An Giang).

Đa số các nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất bảo quản và chế biến còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến còn chậm, sản phẩm chế biến chất lượng chưa cao, khó đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Còn theo khảo sát của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các doanh nghiệp chế biến trái cây quy mô công nghiệp tập trung chủ yếu ở 28 tỉnh, thành phố, trong đó, dẫn đầu là các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng, TP.HCM với mỗi địa phương có từ 10 doanh nghiệp trở lên.

Về công nghệ và thiết bị chế biến, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến trái cây do Liên xô hoặc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đầu tư nên công nghệ và thiết bị chế biến đã lạc hậu, chủ yếu là đồ hộp hoặc nước giải khát. Các cơ sở này phần lớn đều đã phải ngừng hoạt động vì phá sản hoặc hoạt động cầm chừng vì không thể cạnh tranh do sản phẩm lạc hậu, giá thành cao.

Lác đác trong nước hiện xuất hiện một số nhà máy chế biến trái cây do nước ngoài đầu tư hoặc được xây dựng trong Chương trình phát triển rau, quả và hoa cây cảnh, hoặc trong các chương trình, dự án khác trong thời gian gần đây. Số nhà máy này có sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại như thiết bị đóng gói của Tetra Pak, công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương, công nghệ sấy lạnh, sấy bơm nhiệt…

Vì sao doanh nghiệp "chùn tay"?

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất khẩu trái cây từ lâu, với giá trị thu về hàng chục triệu USD nhưng vẫn “chơi bài” gom hàng từ nhà vườn dạng thô rồi chở thẳng ra cảng xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, việc xây dựng nhà máy chế biến còn nhiều khó khăn, phần vì thiếu vùng nguyên liệu tập trung, phần vì cơ sở hạ tầng còn “lổm chổm”, khó cho việc vận chuyển hàng hóa từ nhiều nơi về nhà máy chế biến.

Khi được hỏi về việc xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản trái cây cho xuất khẩu, đại diện Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ, trong chuỗi giá trị của sản phẩm trái cây hiện nay, phân khúc tươi vẫn có giá trị và biên lợi nhuận cao nhất. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai cũng định hướng chủ yếu khai thác phân khúc nông sản tươi, như đối với trái chanh dây, chỉ thu hoạch rồi múc ruột, đông lạnh để xuất khẩu.

Ông Hà Huy Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex, cũng cho rằng, nông sản Việt Nam rất khó cạnh tranh bằng sự khác biệt, do trình độ công nghệ sinh học còn hạn chế, hoặc do thổ nhưỡng… Thay vào đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu cạnh tranh về giá. Thế nhưng, các chi phí trung gian còn cao, ví dụ như chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một trong những khó khăn khiến việc đầu tư cho chế biến sâu còn hạn chế.

“Đơn cử như chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ nhà máy tại Bình Dương ra cảng TP.HCM mất 130 USD và 80 – 10 USD phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Trong khi cũng container này chỉ chịu cước phí tàu biển sang Malaysia là 40 USD, thậm chí không mất phí nếu đi cảng phía Nam Trung Quốc. Mà chi phí cao thì giá thành cao, tính cạnh tranh thấp”, ông Thắng nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng nhận định, TP.HCM là địa phương phát triển, năng động bậc nhất cả nước về ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn chùn tay khi đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân một phần do cơ sở hạ tầng, logistics nơi đây còn chưa hoàn thiện.

Ông Hòa dẫn chứng: Trong thời gian làm việc ở Saigon Co.op trước đây, ông đã từng chứng kiến doanh nghiệp này loay hoay nhiều năm liền tìm nhà tư vấn để tối ưu hóa việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm rau quả, từ Đức, Ý rồi chuyển sang Nhật. Nhưng với điều kiện ở TP.HCM và các tỉnh như hiện nay, đầu tư bảo quản, chế biến sâu sản phẩm trái cây thật không dễ dàng.

Trong khi đó, lĩnh vực logistics dù không trực tiếp tạo ra sản phẩm mới nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm khi xuất khẩu, hạn chế hao hụt, giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển từ nhà vườn đến tay khách hàng. Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụ thể là các hạng mục cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật như đê bao, cống bọng, đường giao thông đảm bảo ngăn mặn, triều cường, thoát lũ… ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản trái cây với quy mô khác nhau. Đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ để có thể khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Cũng nên đẩy mạnh kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến hiện đại, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản trái cây, kho lạnh, vận chuyển chuyên dụng…

Năng suất lao động ngành chế biến trái cây còn thấp
Theo khảo sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), số lượng lao động của các doanh nghiệp chế biến trái cây trung bình khoảng 128 người/doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều lao động hơn, ở mức 161 người/doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năng suất lao động trong các doanh nghiệp chế biến trái cây có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn, khoảng 53,4 tấn sản phẩm/người/năm. Trong khi đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng 7,7 tấn sản phẩm/người/năm, ở các doanh nghiệp dân doanh là 19 tấn sản phẩm/người/năm. Điều này dẫn đến năng suất lao động bình quân của các doanh nghiệp chế biến trái cây chỉ ở mức 7,6 tấn/người/năm, tương ứng với giá trị chế biến là 610 triệu đồng/người/năm.

 

Bài, ảnh: Thuận Hải